Mì ăn liền dù ngon miệng nhưng không tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể gây ra hậu quả lâu dài nếu bạn dùng hằng ngày.
Mì ăn liền là món khoái khẩu của nhiều người, tuy nhiên nó không tốt cho sức khỏe của bạn. Giống như hầu hết các loại thực phẩm đã qua chế biến, mì ăn liền chứa nhiều natri, chất béo bão hòa và chất bảo quản, theo kết quả nghiên cứu từ trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California (Mỹ).
Hẳn nhiên, trong một gói mì nhỏ, lượng các chất gây hại đều trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, việc lạm dụng mì ăn liền có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm béo phì, tim mạch... Vì vậy, cho dù yêu thích mì ăn liền đến đâu, nên coi đây là một món cần hạn chế, nếu không, bạn có thể phải trả giá đắt cho thói quen đó.
Mì tôm ăn thường xuyên có thể gây hại cho tim mạch, dễ gây béo phì. (Ảnh minh họa)
Ăn mì ăn liền nhiều khiến bạn tăng cân
Những thứ ngon miện đôi khi lại chính là những thứ dễ gây béo phì nhất. Theo trường Y khoa Keck, một bát mì ăn liền chứa 14 gam chất béo bão hòa, tương đương khoảng 40% nhu cầu hàng ngày của cơ thể bạn. Một phần chất béo có thể ẩn trong nước dùng, còn phần lớn chất béo đến từ sợi mì. Quá trình sản xuất mì gồm hấp chín sợi mì, sau đó là chiên để khử nước giúp sợi mì xốp hơn, chín nhanh hơn. Do đó, khi bạn ăn mì ăn liền, về bản chất, bạn ăn một phần mì chiên.
Ăn mì ăn liền nhiều khiến huyết áp tăng
Xét trên quan điểm dinh dưỡng, một gói gia vị mì có thể mang tới nhiều rắc rối cho cơ thể. Một khẩu phần mì có thể chứa tới 1.820 miligam natri. Con số này gần bằng 2/3 lượng tiêu thụ hàng ngày được FDA (Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Mỹ) khuyến nghị. Tại sao đây lại là vấn đề?
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, mặc dù cơ thể bạn cần duy trì một lượng natri nhất định để hoạt động tốt nhất, quá nhiều natri có thể góp phần làm tăng huyết áp. Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như suy tim và đột quỵ. Do đó, cách giải quyết là bạn có thể chỉ nên ăn 1/2 gói gia vị hoặc bỏ chúng đi để tự làm sốt phù hợp và lành mạnh.
Ăn mì ăn liền nhiều khiến gan làm việc quá tải, thận suy yếu
Một gói mì thường có hạn sử dụng khá dài. Để làm được điều này, các nhà sản xuất buộc phải sử dụng chất bảo quản, hương liệu nhân tạo, chất làm ngọt nhân tạo và các chất phụ gia khác, giúp bảo toàn kết cấu, độ ổn định và hương vị của mì.
Tất cả những thành phần này không thể phân hủy, khó tiêu hóa, gây tác động xấu đến gan, thông qua việc gan tích trữ chất béo. Vì gan là một cơ quan quan trọng, để bảo vệ nó, nên hạn chế ăn mì.
Ngoài ra, trong mì có nhiều muối. Muối làm tăng mức độ canxi thải ra trong nước tiểu, từ đó sỏi thận có thể hình thành, khi lượng canxi dư thừa này liên kết với oxalat - một thành phần tự nhiên có trong nhiều loại trái cây và rau quả.
Nên hạn chế ăn mì, vì lý do sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Ăn mì nhiều khiến hệ tiêu hóa căng thẳng
Bạn nghĩ một tô mì có nước là món dễ tiêu hóa, nhưng điều này sai sự thật. Khác với một bát phở, mì ăn liền mất nhiều thời gian hơn để được cơ thể tiêu hóa hết.
Trong một nghiên cứu, tiến sĩ Braden Kuo, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), đã định lượng chính xác mức độ khó tiêu hóa của mì ăn liền. Ông nhận thấy, sợi phở, bún tươi được tiêu hóa hoàn toàn trong vòng một hoặc hai giờ, trong khi mì ăn liền vẫn còn nguyên vẹn và không bị tiêu hóa trong dạ dày vài giờ sau khi ăn.
Ăn mì ăn liền mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa
Nếu bạn là phụ nữ, việc ăn mì ăn liền thường xuyên có thể khiến bạn tự đặt mình vào nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn đáng kể, bao gồm béo phì, cholesterol cao, lượng đường trong máu cao và cao huyết áp, theo kết quả nghiên cứu từ trường Y tế Công cộng Harvard. Với nam giới, điều này không xảy ra. Theo tờ The New York Times, có thể do phụ nữ nhạy cảm hơn với tác động của carbohydrate, chất béo bão hòa và natri sau khi mãn kinh.
Ăn mì ăn liền thường xuyên gây nguy cơ đầy hơi, giữ nước trong cơ thể
Do hàm lượng natri cao, mì Ramen ăn liền có thể gây hiện tượng giữ nước và đầy hơi. Ngoài ra, cách bạn ăn mì cũng vô tình khiến bạn nuốt rất nhiều không khí, điều này có thể góp phần thêm vào cảm giác đầy hơi, chướng bụng. Trong trường hợp bạn mê món mì nhưng không muốn rơi vào cảnh chướng bụng, tờ Shape khuyên bạn nên ăn mì với các loại rau giàu chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa.
Việc ăn mỳ gây ảnh hưởng cho cơ thể phụ nữ hơn nam giới. (Ảnh minh họa)
Ăn mì ăn liền thường xuyên làm tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ
Theo tờ Live Science, do chứa nhiều natri và chất béo bão hòa, mì ăn liền có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao và cholesterol cao, khiến bạn dễ bị suy tim. Tình trạng này rõ ràng hơn phụ nữ trẻ.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các loại gia vị mặn khiến mì ăn liền có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Theo trường Y khoa Keck, phụ nữ ăn mì thường xuyên có nguy cơ đặc biệt cao bị đau tim, đột quỵ và các bệnh khác.
Ăn mì nhiều khiến thị lực của bạn yếu đi
Nếu bạn thấy rằng thị lực tạm thời giảm xuống ngay sau khi bạn ăn một bát mì, điều này hẳn có lý do. Hiện tượng này xảy ra do sự nhạy cảm của cơ thể với TBHQ, một chất bảo quản thường được sử dụng trong mì ăn liền và thực phẩm chế biến khác. Trong món mì, TBHQ hoạt động như một chất chống oxy hóa, được sử dụng để giữ cho dầu và các thành phần dễ hỏng khác trong thực phẩm chế biến không bị ôi thiu theo thời gian. Một số nghiên cứu còn cho rằng TBHQ là tác nhân gây ung thư, tuy nhiên điều này được cho là chưa có cơ sở chính xác.
Ăn mì ăn liền nhiều gây đau đầu
Giống như nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền cũng chứa bột ngọt - chất nhiều người cho rằng có thể gây đau đầu và bốc hỏa, theo Healthline.