Đôi khi chúng ta gặp phải một số thực phẩm bị nấm mốc và tự hỏi liệu có nên vứt đi hay cắt bỏ phần mốc và ăn tiếp. Nếu ăn thì liệu có ảnh hưởng gì tới sức khỏe? Dưới đây chính là câu trả lời cho bạn.
1. Một số loại nấm mốc có thể làm hỏng gan
Có những hóa chất độc hại được tìm thấy trên nấm mốc ở các loại thực phẩm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như tổn thương gan, gây buồn nôn, nôn mửa, và tiêu chảy. Tuy nhiên, điều này xảy ra còn phụ thuộc vào một vài yếu tố như hệ thống miễn dịch hoặc tuổi tác của bạn. Một trong những chất phổ biến nhất và độc hại nhất được gọi là aflatoxin, chất này thậm chí có thể gây ung thư, đặc biệt là ung thư gan. May mắn thay, không phải tất cả thực phẩm bị mốc đều sản sinh hóa chất độc hại này. Tuy nhiên, aflatoxin được tìm thấy trên đậu phộng và ngô bị mốc.
2. Các vi khuẩn bên trong nấm mốc có thể kích hoạt các triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Nói đến ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm, người ta thường chỉ nghĩ đến các chất độc có trong thực phẩm và vai trò của các vi khuẩn gây bệnh, ít đề cập đến các nấm mốc và độc tố của chúng. Sự thực các bệnh do độc tố nấm gây ra không nhỏ. Hiện nay khoa học đã chứng minh nếu chúng ta ăn phải những thức ăn nhiễm nấm mốc cũng có thể mắc bệnh nguy hiểm.
Bệnh có thể xảy ra ở dạng ngộ độc cấp tính, nhưng phần lớn là ngộ độc mạn tính do cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ độc tố nấm. Trong trường hợp này, bạn có thể gặp các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và buồn nôn. Độ nặng của chúng sẽ phụ thuộc vào loại vi khuẩn và lượng thức ăn bạn ăn.
3. Bạn có thể bị dị ứng với nấm mốc
Có một số người có phản ứng dị ứng với nấm mốc thực phẩm. Nếu bạn bị tiền sử dị ứng, bạn nên tránh xa nó, và trong trường hợp bạn ăn nhầm và có các triệu chứng như ngứa và chảy nước mắt, phát ban, khò khè, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.
4. Một số thực phẩm có nấm mốc mà cơ thể chúng ta có thể tiêu hóa dễ dàng
Trong hầu hết trường hợp, lỡ cắn phải thực phẩm bị mốc một ít sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Chúng chỉ có thể gây bệnh trong một số ít trường hợp, theo bác sĩ Rudolph Bedford, chuyên gia tiêu hóa tại Trung tâm y tế Providence Saint John (Mỹ).
Một điều may mắn là dù có ăn nhầm một ít thực phẩm bị mốc thì cơ thể cũng không sao. Hệ tiêu hóa sẽ tiêu hóa nấm mốc bình thường như bao loại thức ăn khác. Bác sĩ Bedford cho biết cơ thể vẫn sẽ khỏe mạnh miễn sao hệ miễn dịch hoạt động tốt và đủ sức vô hiệu hóa tác hại của nấm mốc.
Tất cả thực phẩm khi bị nấm mốc xâm nhập thì phần mốc chỉ là trên bề mặt bên ngoài. Thực chất, rễ của nấm mốc có thể đã xâm nhập sâu bên trong thức ăn. Do đó, với những thực phẩm mềm, xốp như các loại bánh, kem, sữa chua, mứt, thạch… thì nên bỏ hết khi phát hiện bị mốc.
Tuy nhiên, với một số loại thực phẩm cứng như trái cây, phô mai cứng thì rễ nấm mốc khó xâm nhập vào sâu bên trong. Chúng ta hoàn toàn có thể ăn được nếu cắt bỏ phần bề ngoài bị mốc và ăn phần bên trong.
Khoảng cách ăn an toàn là phần thực phẩm nằm dưới bề mặt bị mốc khoảng 2,5 cm, theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
5. Phương pháp xử trí, phòng ngừa nấm mốc trong thực phẩm
- Đảm bảo an toàn thực phẩm qua các khâu chế biến, bảo quản, lưu thông, phân phối và sử dụng;
- Bảo quản thực phẩm khô ở nơi khô ráo, thoáng mát, cân nhắc bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh tùy từng loại thực phẩm;
- Khi màu sắc, hình dạng, mùi vị của thực phẩm có dấu hiệu khác thường so với đặc trưng của thực phẩm hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì cần loại bỏ, không nên sử dụng. Việc rửa các thực phẩm bị mốc vẫn không thể loại bỏ triệt để độc tố của nấm mốc;
- Khi có biểu hiện nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc sau khi sử dụng các loại thực phẩm nghi ngờ bị ẩm mốc thì người dùng cần phải ngừng sử dụng thức ăn đó, giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, nước tiểu, phân,... để xét nghiệm và kịp thời đi cấp cứu;
- Xử trí cấp cứu: Cho người bị ngộ độc nôn hết ra chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.