Đứa trẻ uống nhiều sữa hay trẻ ham đồ ăn nhanh dễ dậy thì sớm hơn? Bác sĩ chỉ ra điều ít bố mẹ biết

DIỆU THUẦN - Ngày 26/06/2024 14:08 PM (GMT+7)

Cả sữa nguyên kem và thức ăn nhanh đều có nguy cơ cao làm trẻ thừa cân, béo phì nếu tiêu thụ nhiều. Nhưng với sữa thì cha mẹ nên chọn loại phù hợp cho con, còn thức ăn nhanh thì cần hạn chế.

Trẻ thừa cân, béo phì là tình trạng cơ thể tích lũy quá nhiều mỡ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể có nguy cơ cao mắc tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, gan nhiễm mỡ và dậy thì sớm… 

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Y tế - Xã hội, hiện nước ta có hơn 300.000 trẻ béo phì, thừa cân dưới 5 tuổi con số năm sau cao hơn năm trước. Ngoài nguyên nhân về di truyền, thuốc, lười vận động thì có đến 60-80% xuất phát từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Trong các thực phẩm được khuyến cáo làm tăng nguy cơ béo phì có 2 món trẻ thích nhất là sữa nguyên kem và thức ăn nhanh. Nhưng trong 2 thực phẩm này, loại nào dễ làm trẻ tăng cân - yếu tố gián tiếp dẫn tới dậy thì sớm?

Cả sữa nguyên kem và thức ăn nhanh đều có nguy cơ làm trẻ thừa cân, béo phì. Ảnh ghép: DT.

Cả sữa nguyên kem và thức ăn nhanh đều có nguy cơ làm trẻ thừa cân, béo phì. Ảnh ghép: DT.

Sữa nguyên kem có hàm lượng đạm, canxi và phốt-pho cao

BS.CKII Nguyễn Thị Thu Hậu, trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết, sữa nguyên kem thường có hàm lượng đạm, canxi và phốt-pho cao nên chỉ phù hợp cho trẻ trên 1 tuổi đến 2 tuổi - giai đoạn cần chất béo để phát triển trí não. “Loại sữa này được khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi vì dễ gây quá tải cho thận”, bác sĩ Hậu lưu ý. 

Theo bác sĩ Hậu, khi trẻ trên 2 tuổi, cấu trúc não đã đạt trên 80%, nên nhu cầu về chất béo không nhiều. Vì vậy, ở giai đoạn này, tốt nhất trẻ nên uống sữa tách béo, tách đường như sữa tươi và các loại sữa phù hợp với tuổi. Sữa nguyên kem giàu năng lượng, nếu trẻ uống nhiều, kết hợp dùng thức ăn và các loại sữa khác, cộng thêm ít vận động thì dễ có nguy cơ thừa cân, béo phì.

Trẻ trên 2 tuổi và dưới 1 tuổi thì không nên ăn sữa nguyên kem. Ảnh minh họa.

Trẻ trên 2 tuổi và dưới 1 tuổi thì không nên ăn sữa nguyên kem. Ảnh minh họa.

“Trẻ béo phì không phải do sữa, mà do uống sữa không phù hợp. Vì vậy, cha mẹ nên chọn sữa phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ, đừng cắt sữa của con. Trẻ thừa cân/béo phì vẫn cần một lượng sữa mỗi ngày để được cung cấp đủ canxi cho sự phát triển, tăng trưởng chiều cao”, bác sĩ Hậu lưu ý.

Nhiều người cho rằng, sữa bò nguyên kem là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ, vì nó chứa hormone tăng trưởng là không đúng. Theo bác sĩ, hormone gây dậy thì sớm cho trẻ là hormone sinh dục, không phải hormone tăng trưởng. Hormone tăng trưởng có giá thành cao, nếu người nuôi có mua cho bò ăn để giúp bò tăng trưởng tốt thì bản chất của nó là protein, khi đi vào dạ dày sẽ bị cắt ra thành axit amin, nên không gây ra dậy thì sớm. “Sữa không gây dậy thì sớm mà nó gián tiếp làm cho trẻ bị thừa cân/béo phì nếu không chọn loại phù hợp”, bác sĩ Hậu khẳng định.

Thức ăn nhanh nhiều chất béo, muối và calo

Thức ăn nhanh được chế biến công nghiệp và bán công nghiệp. Trong đó, các loại như bánh snack, khoai tây chiên, nước ngọt, nước có gas, nước có thêm đường... được cho là chế biến công nghiệp. Đồ ăn nhanh bán công nghiệp như gà rán, hamburger, bánh pizza... cũng rất giàu năng lượng. Ví dụ, một phần gà rán có trên 400-450 calo, một phần hamburger cũng chứa 450-460 calo, tùy to hay nhỏ. 

Thức ăn nhanh chứa nhiều calo, muối nhưng thiếu vitamin và khoáng chất, trẻ ăn nhiều và thường xuyên sẽ không tốt. Ảnh minh họa.

Thức ăn nhanh chứa nhiều calo, muối nhưng thiếu vitamin và khoáng chất, trẻ ăn nhiều và thường xuyên sẽ không tốt. Ảnh minh họa.

Hiện nay, thức ăn nhanh được xem là tiện lợi, phù hợp với khẩu phần ăn của trẻ nhưng thường không cân đối về các chất dinh dưỡng, chứa nhiều calo, đường, muối, chất béo không lành mạnh, thiếu vitamin và khoáng chất. Nếu trẻ ăn quá thường xuyên sẽ dễ tăng cân nhưng bị thiếu chất. Ngoài ra, các thực phẩm này dùng nhiều dầu mỡ để chiên rán, hay các gia vị để tẩm ướp, dễ có nguy gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Thức ăn nhanh là những năng lượng rỗng, trẻ ăn nhiều nếu không vận động sẽ có nguy cơ béo phì, từ đó tăng nguy cơ dậy thì sớm, nhất là ở bé gái”, bác sĩ Hậu lưu ý.

Hãy giúp con vận động, lựa chọn thực phẩm phù hợp

Cha mẹ nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết như chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, rau xanh, trái cây, sữa chua… là những thực phẩm lành mạnh nên cho trẻ ăn nhiều hơn.

Lựa chọn dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ thừa cân, béo phì. Ảnh minh họa.

Lựa chọn dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ thừa cân, béo phì. Ảnh minh họa.

Đối với sữa thì nên cắt đi phần sữa béo như sữa nguyên kem, sữa chứa nhiều đường. Với những thực phẩm chứa quá nhiều năng lượng như dầu mỡ, đường, bánh kẹo ngọt, nước ngọt… thì nên kiêng cho con. 

Ngoài ra, để loại bỏ mỡ và các năng lượng dư thừa, cha mẹ nên giúp con tích cực tập luyện thể dục thể thao, uống đủ nước, ngủ đúng giờ. Các môn thể thao cha mẹ nên chọn cho con tập là nhảy dây, chạy bộ, đi bộ, bơi lội… nhưng trẻ nên bắt đầu tập luyện ở mức độ nhẹ, sau đó tăng dần và cần có sự giám sát, hỗ trợ của người thân.

Tổ yến bổ dưỡng, cho trẻ ăn có bị dậy thì sớm? Bác sĩ chỉ ra điều đáng lo hơn
Tổ yến được biết đến như một thực phẩm giàu dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe. Thế nhưng, cho trẻ ăn tổ yến có gây dậy thì sớm hay không PGS.BS Trần...

Dinh dưỡng cho trẻ em

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ béo phì