Dầu cá là loại thực phẩm chức năng phổ biến và được bổ sung khá nhiều nhưng dù bổ dưỡng cũng cần dùng đúng cách.
Nhiều người vì muốn tăng cường sức khỏe nên sử dụng các loại thực phẩm bổ sung để cải thiện. Tuy những thực phẩm này không phải thuốc chữa bệnh nhưng khi dùng cũng cần chú ý an toàn, sử dụng đúng cách nếu không sẽ phản tác dụng.
Bác sĩ chuyên khoa gan mật và tiêu hóa người Đài Loan (Trung Quốc), Chen Bingchen chia sẻ trên chương trình y tế "Doctor Is Hot" rằng có một nam bệnh nhân rất coi trọng việc chăm sóc sức khỏe và có thói quen dùng các loại đồ bổ. Tuy nhiên, sau một cú va chạm nhẹ ở vùng bụng, mặc dù người đàn ông không cảm thấy khó chịu ngay lập tức nhưng 2 ngày sau anh đột nhiên bị đau dữ dội ở bụng nên đã đến phòng cấp cứu.
Bác sĩ đã sắp xếp cho người đàn ông này chụp X-quang, siêu âm và chụp cắt lớp, cuối cùng phát hiện dấu hiệu chảy máu giữa gan và thận, xác nhận cơn đau dữ dội là do chảy máu trong.
Bác sĩ chuyên khoa gan mật và tiêu hóa người Đài Loan (Trung Quốc) Chen Bingchen.
Theo trang web của Mayo Clinic (Mỹ), cơn đau bụng và đau dạ dày đột ngột có thể do vết rách ở động mạch lớn trong dạ dày, dẫn đến chảy máu trong, có thể gây tử vong trong những trường hợp nặng. Các triệu chứng của vết rách động mạch lớn bao gồm:
- Cơn đau xé rách ở ngực lan xuống cổ hoặc lưng
- Đau bụng dữ dội
- Mất tỉnh táo
- Khó thở
- Mạch ở một cánh tay hoặc đùi yếu hơn bên kia
- Đau chân
- Đi bộ không vững
Bác sĩ Chen Bingchen cho biết người bình thường sẽ không gặp phải tình trạng nghiêm trọng như vậy sau một cú va chạm nhẹ vào vùng bụng. Sau khi thăm hỏi, bác sĩ phát hiện ra người đàn ông này thường xuyên sử dụng các sản phẩm dầu cá liều cao để ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.
Bác sĩ Chen Bingchen giải thích rằng dầu cá cũng có đặc tính chống đông máu và nếu nam giới dùng một lượng lớn có thể dễ dàng gây chảy máu trong không ngừng ngay cả khi cơ thể chỉ chịu một tác động nhỏ. Người đàn ông ngay lập tức được yêu cầu ngừng dùng dầu cá, sau đó được điều trị và cuối cùng không còn tình trạng chảy máu trong.
Dầu cá cũng có đặc tính chống đông máu. (Ảnh minh họa)
6 kiểu người không nên dùng dầu cá
Bác sĩ Chen Bingchen cho biết có 6 loại người không thích hợp dùng dầu cá để ngăn chặn chức năng chống đông máu làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu.
- Người có chức năng đông máu bất thường
- Người đang dùng thuốc chống đông máu
- Phụ nữ mang thai trước và sau khi sinh
- Những người chuẩn bị phẫu thuật
- Người dị ứng với cá
- Người có nhịp tim không đều.
Những loại thuốc cấm kị dùng với dầu cá
Ngoài ra, có một số loại thuốc không nên dùng chung với dầu cá:
- Thuốc chống đông máu và thuốc chống tiểu cầu, thảo dược và chất bổ sung: Những loại thuốc, thảo mộc và chất bổ sung này làm giảm quá trình đông máu. Nên nếu bổ sung dầu cá cùng với chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Thuốc huyết áp: Uống dầu cá có thể làm giảm huyết áp một chút. Dùng chất bổ sung này cùng với thuốc huyết áp có thể làm tăng tác động đối với huyết áp.
- Thuốc tránh thai: Một số loại thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến tác dụng của dầu cá đối với chất béo trung tính.
- Vitamin E: Dùng dầu cá có thể làm giảm nồng độ vitamin E.
- Thuốc ngăn ngừa đột quỵ: Thuốc này và dầu cá có thể tương tác với nhau theo cách bất lợi. Axit béo omega-3, thành phần phổ biến trong dầu cá có tác dụng chống đông máu. Điều này, khi kết hợp với thuốc điều trị đột quỵ, tức thuốc làm loãng máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu không kiểm soát được và khiến cả 2 giảm hiệu quả hoặc trở nên độc hại.