Đứng hay ngồi uống nước thì tốt? Kiểu uống nước ai cũng tưởng tốt nhưng khiến hệ tiêu hóa "kêu cứu"

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 11/11/2023 14:00 PM (GMT+7)

Cách thức uống nước đóng vai trò rất quan trọng, nó sẽ giúp phát huy tác dụng tốt nhất của nước với cơ thể, ngược lại nếu thực hiện không đúng có thể ảnh hưởng tiêu cực.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nước đóng vai trò quan trọng với cơ thể là điều không thể bàn cãi, thậm chí nước còn quan trọng hơn cả các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày.

PGS Huy Nga dẫn chứng một số nghiên cứu cho thấy, nếu như con người không thở chỉ vài phút là tử vong, không uống nước thì chỉ 4-5 ngày là chết, nhưng không ăn thực phẩm thì vẫn có thể tồn tại cả tháng trời, thậm chí là hơn. “Qua đó để chúng ta thấy rằng, những thứ có sẵn, dùng miễn phí như không khí, nước lại chính là nguồn tài nguyên quý giá mà chúng ta cần phải biết trân trọng, giữ gìn và bảo vệ”, PGS Huy Nga cho hay.

Theo ông Nga, nước chiếm tới 60-80% trọng lượng cơ thể, giúp cơ thể duy trì nhiệt độ, vận chuyển chất dinh dưỡng, các vi chất và làm sạch cơ thể khỏi độc tố, giúp bôi trơn các khớp và làm ẩm da… Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng tư vấn, muốn phát huy được những giá trị tốt nhất của nước với cơ thể thì việc thực hành uống nước đúng cũng rất quan trọng.

Nước chiếm phần lớn tỉ trọng trong cơ thể và có vai trò quan trọng với tất cả các cơ quan. Ảnh minh họa.

Nước chiếm phần lớn tỉ trọng trong cơ thể và có vai trò quan trọng với tất cả các cơ quan. Ảnh minh họa. 

Thứ nhất, cần uống đủ nước hàng ngày, tùy theo độ tuổi, cân nặng, công việc của mỗi người mà lượng nước uống cũng khác nhau. Trung bình với người trưởng thành, lượng nước uống hàng ngày là 2-3 lít.

Thứ hai, mọi người cần phân bổ thời gian và lượng nước uống sao cho thật hợp lý. Không đợi khát mới uống, không thể dồn lượng nước uống vào một thời điểm. Mỗi ngày nên uống khoảng 8 ly nước (mỗi ly 300ml) và chia đều theo các thời điểm uống khác nhau. Nên uống nhiều vào ban ngày sẽ tốt hơn vào buổi tối, nhất là người già vì sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Thứ 3, nên uống thành ngụm nhỏ, không uống dồn dập một lúc. Điều này sẽ giúp nước được thẩm thấu toàn bộ qua thành tế bào, tốt cho việc trao đổi chất và chuyển hóa trong cơ thể. Việc uống nước quá nhanh trong khi khát có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho tim mạch.

Rất nhiều người có thói quen đứng uống nước, nhất là người hay đi thể dục và vận động cường độ nặng, đây là điều không nên. Ảnh minh họa.

Rất nhiều người có thói quen đứng uống nước, nhất là người hay đi thể dục và vận động cường độ nặng, đây là điều không nên. Ảnh minh họa. 

Thứ 4, nên ngồi uống nước tốt hơn là đứng uống. Nhiều người cho rằng, đứng uống nước sẽ tốt hơn ngồi vì uống được nhiều, tuy nhiên đây lại là một sai lầm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi đứng uống nước sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa, bởi nước sẽ đi với một lực và tốc độ lớn qua ống dẫn thức ăn và xuống thẳng dạ dày phía dưới, điều này có hại cho hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, khi đứng uống, nước xuống ruột nhanh sẽ khiến cho các dưỡng chất không được hấp thu tới các cơ quan, từ đó khiến việc vận chuyển vitamin, dưỡng chất, cũng như giải trừ các độc tố bị hạn chế. Do vậy, ngồi uống nước sẽ giúp nước được giữ lại trong cơ thể lâu hơn, giúp cơ thể hấp thụ các dưỡng chất hiệu quả hơn.

Ngoài việc thực hành uống nước như đã nói trên, PGS Nguyễn Huy Nga cũng khuyến cáo người dân nên dùng nước lọc là nguồn chính để bổ sung cho cơ thể hàng ngày, thay vì những loại nước khác.

Nước tốt nhất với cơ thể là nước lọc, kể cả các loại canh xương, nước rau cũng không thể thay thế. Ảnh minh họa.

Nước tốt nhất với cơ thể là nước lọc, kể cả các loại canh xương, nước rau cũng không thể thay thế. Ảnh minh họa. 

Thực tế cơ thể chúng ta nhận nước từ rất nhiều nguồn khác nhau như uống nước ngọt, nước canh, hay ngay việc ăn thực phẩm hàng ngày cũng hấp thụ hàm lượng nước nhất định. Các loại nước từ thực phẩm hay nước canh có thể cung cấp lượng vitamin nhất định, nhưng cũng chứa một số chất ví dụ như muối, chất béo và nếu uống nhiều sẽ không tốt, thậm chí gây áp lực lên thận. Vì thế, chúng tôi vẫn khuyên mọi người nên bổ sung nước từ nước lọc hoặc nước sạch đun sôi để nguội là tốt nhất cho cơ thể”, PGS Huy Nga nhấn mạnh.

8 thói quen buổi sáng giúp bệnh tật tránh xa: Uống nước xếp thứ hai, thói quen thứ nhất càng ít ngờ
Để có thể duy trì sức khỏe dẻo dai, tinh thần minh mẫn và khỏe khoắn, chị em có thể theo đuổi những thói quen đơn giản dưới đây.

Ăn sáng sao cho khỏe?

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thói quen có hại