Nước ép trái cây chủ yếu chứa đường và rất ít dinh dưỡng so với trái cây nguyên quả nên việc tiêu thụ nhiều sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Mọi người thường tin rằng nước ép trái cây là đồ uống lành mạnh cho sức khỏe và vì nó hoàn toàn tự nhiên nên không ít người lựa chọn để dùng hàng ngày. Tuy nhiên các chuyên gia lại không hoàn toàn đồng tình với điều này.
Li Sixian, một bác sĩ y học gia đình người Trung Quốc cho biết từng điều trị cho một trường hợp không có thói quen hút thuốc hay uống rượu bia nhưng chức năng gan của nam bệnh nhân thực sự đã ở mức đáng báo động, gan cũng có dấu hiệu bị viêm.
Sau khi hỏi thăm mới biết người đàn ông thường uống nước trái cây hàng ngày vì cho rằng nó tốt cho sức khỏe. Anh đã duy trì được thói quen này gần 4 tháng.
Bác sĩ khi khi nghe vậy liền đề nghị bệnh nhân ngừng việc uống nước trái cây hàng ngày. Quả nhiên 3 tháng sau, xét nghiệm cho thấy gan của anh đã bình thường trở lại.
Ngày nào cũng uống nước ép trái cây, sau một thời gian gan của người đàn ông bị tổn thương. (Ảnh minh họa)
Uống nước ép trái cây thường xuyên có thể khiến gan quá tải
Bác sĩ Li Sixian cho biết nước trái cây không thể tốt bằng trái cây thông thường bởi vì nó đã loại bỏ đi chất xơ. Sau khi trái cây được xử lý bằng cách ép, ly tâm, chiết xuất và các phương pháp vật lý khác, một số chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi, đặc biệt là vitamin C sẽ bị oxy hóa và các chất xơ như pectin và cellulose sẽ mất nhiều hơn do không hòa tan trong nước. Trong khi đường vẫn tiếp tục tồn tại trong nước ép.
Nếu thiếu chất xơ, đường fructose trong nước trái cây sẽ đi vào cơ thể nhanh hơn và cơ thể không thể đối phó với quá nhiều fructose đến cùng một lúc bởi vì chỉ có gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể xử lý fructose.
Khi một lượng lớn đường fructose đổ dồn vào gan ngay lập tức, gan chỉ có thể lưu trữ chúng ở dạng chất béo. Kết quả lâu dần sẽ dễ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, tổn thương gan.
Ngoài ra, quá nhiều đường fructose trong cơ thể có liên quan đến axit uric cao. Từ đó kéo theo nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, bệnh gút và bệnh thận.
Bác sĩ Li Sixian nói thêm rằng một số người có thói quen làm "sinh tố xanh" từ rau củ và trái cây nhưng hãy cẩn thận đừng thêm quá nhiều hoa quả, thêm vừa phải có thể cân bằng hương vị của rau trong sinh tố nhưng quá nhiều sẽ không có lợi.
Trong nước ép trái cây đã loại bỏ đi chất xơ, chỉ còn đường và một ít vitamin. (Ảnh minh họa)
4 nguyên tắc khi uống nước trái cây
Để nước trái cây không gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi sử dụng, bác sĩ Li Sixian khuyên mọi người nên áp dụng 4 nguyên tắc sau.
1. Uống nước ép và vẫn giữ phần bã, không lọc bỏ bã.
2. Có thể dùng phần bã trộn với sữa chua, hoặc trộn salad hoặc thậm chí thêm vào các món ăn nóng khác để làm cho món ăn tràn ngập hương vị trái cây. Đồng thời vẫn đảm bảo tiêu thụ được chất xơ và ít đường fructose hơn.
3. Chọn trái cây ít đường để làm nước ép, chẳng hạn như bơ, chanh vàng, nam việt quất, mâm xôi đen...
4. Chọn ăn trái cây trực tiếp thay vì uống nước ép. Mọi người đều có thể dễ dàng uống nước ép từ 4,5 quả cam, nhưng chuyển sang ăn thì khó hơn. Do đó, nếu uống nước ép có thể dẫn tới tiêu thụ quá nhiều.
Ăn trái cây nguyên quả có lợi hơn uống nước ép. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Li Sixian cũng nhắc nhở rằng dù nước ép trái cây là thực phẩm phù hợp với mọi lứa tuổi nhưng có một số người vẫn không thích hợp để uống hay dùng thường xuyên. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo trẻ em dưới 1 tuổi không nên uống nước ép trái cây.
Những người mắc bệnh loét và viêm dạ dày ruột cấp tính và mãn tính cũng nên hạn chế uống. Những người có chức năng thận kém nên tránh uống vào buổi tối, nếu không sẽ bị phù tay và chân khi thức dậy vào buổi sáng. Ngoài ra, người đang muốn giảm cân cũng nên tránh.