Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại Học viện Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg góp phần trả lời câu hỏi tại sao nam giới thường bị cúm nặng hơn phụ nữ, nêu lý do liên quan đến hormone sinh dục nữ estrogen.
Trong nghiên cứu được công bố trên tờ American Journal of Physiology - Lung Cellular and Molecular Physiology, các nhà khoa học giải thích rằng virus cúm khiến chúng ta bị bệnh khi chúng xâm nhập vào tế bào và nhân bản. Những phiên bản virus mới lan sang tế bào khác, tạo nên phản ứng dây chuyền gây bệnh cho bệnh nhân và truyền bệnh sang người khác. Một cách khái quát, phiên bản virus càng ít, nguy cơ mắc bệnh và lây bệnh càng thấp.
Đàn ông thường bị cúm nặng hơn nữ giới Ảnh: MNT
Nhóm nghiên cứu đã xét nghiệm tác dụng của estrogen lên virus cúm A tại tế bào mũi - nơi thường bị nhiễm đầu tiên ở cả nam lẫn nữ. Họ cấy và cho tế bào phơi nhiễm virus cúm cùng với các dạng estrogen khác nhau gồm estradiol (dạng tế bào sinh dục nữ nguyên thủy trong cơ thể), bisphenol A (thành phần tổng hợp mô phỏng estrogen) và chất điều biến đặc hiệu thụ thể estrogen (SERM là thành phần có tác dụng giống như estrogen thường được dùng trong liệu pháp hormone).
Kết quả cho thấy các dạng estrogen nêu trên đều hạn chế virus nhân bản ở tế bào mũi phụ nữ nhưng điều đó đã không xảy ra ở đàn ông. Cơ thể nam giới cũng có estrogen nhưng ít hơn rất nhiều so với phụ nữ.