Sau một đêm tỉnh dậy, nhiều người thấy tay sưng đỏ, mưng mủ vì kiến ba khoang tấn công

Ngày 27/06/2019 14:15 PM (GMT+7)

TP.HCM và các tỉnh miền Nam hiện đã bước vào mùa mưa, kiến ba khoang cũng vào mùa hoành hành. Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng nhiên xuất hiện những vết sưng tấy đỏ trên da, sau đó dẫn đến mưng mủ, sưng đau.

Anh Ngô Văn Kiệt (29 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết gia đình anh (gồm vợ chồng và con nhỏ 2 tuổi) đang sống tại tầng 10 của một chung cư. Sáng ngày 25/6, tỉnh dậy sau một đêm, vợ chồng anh hốt hoảng vì phần đùi và cẳng chân của con gái xuất hiện nhiều vết ửng đỏ.

Mang con đến Bệnh viện Nhi đồng để thăm khám, các bác sĩ tại đây cho biết nguyên nhân vết đỏ trên da bé là do dịch tiết từ kiến ba khoang. Bé gái được các bác sĩ cho thuốc bôi và dặn gia đình theo dõi tình trạng, nếu tình trạng không tiến triển thì mang ngay đến bệnh viện. “Tôi cứ chủ quan nhà mình ở tận tầng 10 của chung cư, cao như thế nên cũng không nghĩ là bị kiến đốt. Đến khi vào bệnh viện mới biết rằng nhiều người ở tầng cao hơn nhưng vẫn bị kiến tấn công”, anh Kiệt nói.

Sau một đêm tỉnh dậy, nhiều người thấy tay sưng đỏ, mưng mủ vì kiến ba khoang tấn công - 1

Vết thương trên da do kiến ba khoang.

Đang thuê trọ tại quận 7, TP.HCM, sinh viên Mai Thị Mỹ Thương (20 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết thời gian gần đây, căn phòng của chị xuất hiện nhiều côn trùng màu vàng đen. Trong một lần bị kiến bò lên tay, theo thói quen chị dùng tay còn lại miết mạnh xuống để giết kiến nhưng sau đó ngay chỗ này bắt đầu ửng đỏ và xuất hiện nhiều mụn nước.

“Mình lên mạng tìm thông tin thì thấy triệu chứng giống bệnh zona nên chủ quan chỉ ra nhà thuốc mua thuốc về uống. Đến khi những vết đỏ, mụn nước này vỡ và mưng mủ mình mới đến bác sĩ và được nguyên nhân của những vết này là do kiến ba khoang”, chị Thương thông tin.

Sau một đêm tỉnh dậy, nhiều người thấy tay sưng đỏ, mưng mủ vì kiến ba khoang tấn công - 2

Kiến ba khoang tấn công tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là ngủ dậy sau một đêm thì thấy da bị ửng đỏ, đau rát do vô tình tiếp xúc với kiến trong lúc đang ngủ.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Ngô Minh Vinh, chuyên gia về da liễu, giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kiến ba khoang có đuôi nhọn, thân mình dài trung bình khoảng 7mm, thân chúng có màu đen và cam, đầu màu đen. Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng và hay bay vào ánh đèn ban đêm.

Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin. Do đó khi ta giết chết kiến ba khoang trên vùng da mình, thì pederin tiếp xúc với da sẽ gây nên tình trạng viêm da. Thời điểm giao mùa nắng - mưa chính là giai đoạn thích hợp để kiến ba khoang phát triển. 

“Chỉ trong buổi sáng nay, tôi đã tiếp nhận đến 4 trường hợp đến thăm khám vì những vết đỏ trên da vì kiến ba khoang. Kiến ba khoang tấn công tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là ngủ dậy sau một đêm thì thấy da bị ửng đỏ, đau rát do vô tình tiếp xúc với kiến trong lúc đang ngủ”, bác sĩ Vinh phân tích.

Sau một đêm tỉnh dậy, nhiều người thấy tay sưng đỏ, mưng mủ vì kiến ba khoang tấn công - 3

Vết tích còn lại trên da do dịch tiết của kiến gây ra.

Vị trí viêm da thường gặp là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng hay những vùng da hở. Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12-36 giờ. “Khi những vết mụn nước vỡ ra, da mất hàng rào bảo vệ, xung quanh da lại có nhiều vi khuẩn thường trú. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét. Vết bội nhiễm gây tổn thương sâu dưới da, để lại sẹo, đặc biệt với những người có cơ địa mẩn cảm”, Bác sĩ Vinh cho biết.

Để điều trị những vết thương do kiến ba khoang gây ra, bác sĩ Vinh cho rằng khi có vết thương loét thì cần đắp gạc vô khuẩn ướt, mát, thoa thêm calamine lotion hay corticosteroids, có thể sử dụng kháng sinh nếu có bội nhiễm bóng nước trên da, nhưng đa phần tình trạng viêm da sẽ lành trong 2-3 tuần.

“Để phòng tổn thương da do kiến ba khoang, nên tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng. Nếu lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng. Sau đó bôi thuốc tím và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu”, chuyên gia này khuyến cáo.

Độc kiến ba khoang mạnh gấp 15 lần nọc độc rắn, học ngay 4 bước sơ cứu kịp thời
Mùa hè là thời điểm kiến ba khoang hoạt động. Nọc độc của loại kiến này mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ. Tuy không gây chết người như nọc độc rắn vì...
Huy Vân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kiến ba khoang