Hà Nội ghi nhận 3 ca hoại tử xương hàm, 2 trường hợp tử vong

Ngày 25/07/2022 09:14 AM (GMT+7)

Dù đã phẫu thuật và điều trị tích cực nhưng 2 người đàn ông bị sưng đau vùng mặt, hoại tử xương hàm nặng trên nền đái tháo đường và từng mắc Covid-19 đã tử vong.

Tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 48, diễn ra tại Tp.HCM, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã báo cáo về chùm ca bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis mà bệnh viện đã điều trị trong thời gian gần đây.

Đáng chú ý, có hai trường hợp nhiễm nấm đen bị hoại tử xương nặng, không qua khỏi là bệnh nhân "hậu Covid-19".

Mù mắt, hoại tử xương rất nhanh

Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, trường hợp đầu tiên là một người đàn ông 64 tuổi, sống ở Nam Định, có tiền sử đái tháo đường. 24 ngày trước khi nhập viện, ông phát hiện nhiễm Covid-19 và tự theo dõi tại nhà.

Khoảng 3 tuần sau, ông cảm thấy đau răng hàm trái nên đi khám và uống thuốc ở phòng khám tư. Tuy nhiên, mặt ông bị sưng nề nhanh, mắt phải gần như mất thị lực và được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, các bác sĩ Tai mũi họng chẩn đoán ông bị viêm xoang cấp, nghi ngờ áp xe. Chỉ trong 20 ngày, bệnh nhân hoại tử mũi, khoét sâu và phải mổ cấp cứu.

Khi mở ra, các bác sĩ thấy niêm mạc xoang hàm, cánh mũi và phần mềm che phủ trước gò má đã hoại tử đen. Ê kíp phẫu thuật cắt lọc toàn bộ phần hoại tử, tạo vạt che phủ cánh mũi. Giải phẫu bệnh cho thấy người này bị nhiễm nấm đen Mucormycosis và được điều chỉnh sử dụng thuốc kháng nấm.

Sau 4 tuần, mức độ hoại tử ngày càng tăng lên. Bệnh nhân hoại tử toàn bộ xương hàm, xương gò má và cánh mũi, phải chuyển sang khoa phẫu thuật tạo hình. Sau ca tạo hình hàm mặt, bệnh nhân rơi vào suy kiệt, sốc nhiễm khuẩn và tử vong sau đó.

Trường hợp thứ 2 là một người đàn ông 59 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai hồi cuối tháng 3/2022. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng không điều trị.

Bác sĩ Cường cho hay, 15 ngày trước nhập viện, người này bị sưng đau vùng hàm mặt bên trái, có nhổ răng và đau nhức. Một ngày sau, ông mắc Covid-19 và tự theo dõi ở nhà.

Tuy nhiên, bệnh nhân tiếp tục sưng đau mặt kèm sốt, đau đầu, khó thở tăng dần. Do đó, ông được chuyển đến một bệnh viện tại Nghệ An trong tình trạng ý thức lơ mơ, CT-Scan sọ có hình ảnh tụ khí nội sọ, tổn thương thùy thái dương.

Khi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã sưng nề toàn bộ mặt, lan đến vùng cổ, mắt trái sưng lồi, chảy mủ, đồng tử giãn 4mm, mắt gần như hỏng.

Bác sĩ quyết định điều trị theo hướng nhiễm trùng huyết, dùng kháng sinh phổ rộng. MRI sọ não cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cấp tính, tắc hoàn toàn động mạch não giữa, kèm theo viêm đa xoang biến chứng áp xe vùng má, lan vào mắt trái và nội sọ, viêm màng não.

Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn toàn viện và tiến hành mổ cấp cứu với nhiều chuyên khoa như Phẫu thuật thần kinh, Tai mũi họng, Răng hàm mặt.

Ê-kip lấy ra rất nhiều niêm mạc hoại tử, mủn, tắc mạch kèm theo. Bệnh nhân được cắt lọc hoại tử từ răng đến xoang hàm, lấy bỏ áp xe răng và sàn dưới hốc mắt, mở sọ giảm áp. Giải phẫu bệnh cho kết quả tổn thương sợi nấm, thâm nhiễm xương hàm do nhiễm nấm Mucormycosis.

Mặc dù được điều tích cực nhưng sau mổ, bệnh nhân hôn mê sâu, tổn thương não. Gia đình đã xin về và người bệnh tử vong sau đó.

Dễ bị bỏ sót

Ngoài 2 trường hợp trên, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận bà N.T.T. (72 tuổi), nhập viện ngày 15/6 với tình trạng viêm xoang hàm cấp trên, chưa ghi nhận nhiễm Covid-19 nhưng có tiền sử đái tháo đường không kiểm soát tốt. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, giải phẫu bệnh cho kết quả tổn thương do nhiễm Mucormycosis.

Hậu phẫu, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng nấm liên tục 3 tuần. Theo PGS Cường, hiện tình trạng bệnh nhân có cải thiện nhưng chưa biết còn điều trị kéo dài bao lâu nữa.

PGS Cường chia sẻ, Mucormycosis (còn gọi là Zygomycosis) là một bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp do nấm mốc Mucormycetes gây ra. Thống kê cho thấy, trên bình diện toàn cầu, tỷ lệ nhiễm Mucormycosis dao động từ 0,005 đến 17/1.000.000 dân.

Đặc biệt, Ấn Độ là nước có tỷ lệ nhiễm Mucormycosis cao nhất thế giới, gấp hơn 80 lần so với các nước phát triển. Sau đại dịch, nước này từng báo cáo hàng loạt ca nhiễm nấm đen ở bệnh nhân từng mắc Covid-19. Các ca nhiễm nấm thường xảy ra từ 12-18 ngày sau khi khỏi Covid-19. 80% trong số này cần phẫu thuật và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 94% nếu xâm lấn vào não.

Thống kê đặc điểm các ca nhiễm nấm Mucormycosis là bệnh nhân Covid-19, người ta thấy 78% là nam giới, 80% có bệnh tiểu đường không kiểm soát, nhiều trường hợp biểu hiện tổn thương xoang, mắt, phổi và trên 30% bệnh nhân tử vong.

Về cơ chế bệnh sinh nhiễm nấm đen trên bệnh nhân Covid-19, PGS Cường cho biết, bệnh nhân thường là những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, phải dùng thuốc có corticoid, có những cơn tăng đường huyết nhưng không kiểm soát tốt, quá tải sắt, giảm bạch cầu, toan chuyển hóa…

PGS Đỗ Duy Cường chia sẻ, bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis có biểu hiện lâm sàng không điển hình nên dễ bị bỏ sót. Bệnh phải điều trị kết hợp ngoại khoa, thời gian điều trị kéo dài và dùng nhiều thuốc chống nấm nên tạo ra gánh nặng lớn về chi phí.

Chuyên gia khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường trong và sau nhiễm Covid-19, khi có tổn thương xoang hàm mặt, mắt cần nghĩ đến bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis để đến bệnh viện kiểm tra và can thiệp xử lý sớm.

Trước đó, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Tp.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo 24 ca bệnh hoại tử xương sọ - mặt trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19.

Ngày 20/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sau khi thành lập Hội đồng chuyên môn tại Tp.HCM tìm nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến tình trạng hoại tử xương hàm mặt trên bệnh nhân sau mắc COVID-19, các chuyên gia đã có những tập hợp nghiên cứu y văn thế giới để tìm ra những triệu chứng ban đầu nhằm xác định sớm bệnh.

Theo đó, Hội đồng chuyên môn có khuyến cáo về các dấu hiệu gợi ý chẩn đoán sớm và điều trị như sau:

Về các dấu hiệu lâm sàng gợi ý chẩn đoán sớm trên bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19, gồm sưng, đau sọ - mặt kéo dài; rò mủ trong miệng, ngoài mặt; nhiều răng lung lay bất thường; loét niêm mạc, lộ xương.

Khi xuất hiện các triệu chứng trên, thực hiện hội chẩn các chuyên khoa liên quan, chụp cắt lớp vi tính là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán sớm hoại tử xương sọ - mặt. Về điều trị, cần phối hợp các chuyên khoa liên quan; phẫu thuật loại bỏ các tổ chức hoại tử.

Nhiều người bị hoại tử xương hàm sau mắc COVID-19: Bộ Y tế kết luận nguyên nhân
Bộ Y tế vừa có kết luận về nguyên nhân khiến người bệnh bị hoại tử xương hàm tại TP.HCM.

Hậu COVID-19

Theo Tuệ Minh (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh lạ