Hai chị em da đầu tổn thương như sình lầy vì một thói quen "dễ thương" khi ngủ, nhà có điều kiện càng hay gặp

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 28/06/2023 18:47 PM (GMT+7)

Từ dịp nghỉ hè, mỗi tối đi ngủ, cặp chị em lại ôm ấp thú cưng trên giường rồi ngủ cùng, không ngờ sau đó gặp phải tình trạng tổn thương nặng phải nhập viện.

Thời gian gần đây, phong trào nuôi thú cưng trong nhà phát triển rất mạnh, nhất là ở các thành phố lớn. Các gia đình đều coi thú cưng là bạn, là một thành viên trong gia đình và cho thú cưng (chó, mèo) ăn cùng, ngủ. Các chuyên gia cảnh báo, việc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gia chủ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tiến Thành - Chuyên gia Da liễu và thẩm mỹ (Hội Da liễu Việt Nam) cho biết, trung tuần tháng 6, bác sĩ tiếp nhận hai bệnh nhân là chị em ruột đến khám vì da đầu xuất hiện tổn thương khá nặng, là những ổ áp-xe với kích thước khoảng 2-3cm, trong đó người em có nhiều tổn thương hơn.

Hình ảnh da đầu bệnh nhi bị tổn thương do nấm. Ảnh: BSCC.

Hình ảnh da đầu bệnh nhi bị tổn thương do nấm. Ảnh: BSCC. 

Kiểm tra kỹ, bác sĩ Thành nhận thấy, các tổn thương này chứa đầy các hốc mủ như sình lầy, nằm trên nền da bị viêm nề. Khi mủ chảy ra, khô để lại các mảng vảy tiết dày màu vàng. Tóc trong vùng thương tổn thường bị rụng.

Gia đình cho biết, hai chị em bệnh nhân sống cùng bố mẹ tại chung cư, diện tích nhà khá rộng nên có nuôi chó và mèo. Hằng ngày, hai trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó mèo, đặc biệt là thời gian nghỉ hè, thậm chí còn ôm chó mèo ngủ chung.

Sau khi được thăm khám, khai thác tiền sử và làm xét nghiệm, cả hai chị em được chẩn đoán bị nấm da đầu (Kerion de Celse) do tiếp xúc với mèo. Bác sĩ Tiến Thành cho biết, nấm da đầu lây từ chó mèo sang người, hoặc cũng có thể lây từ người qua người do dùng chung vật dụng. “Kerion thường gặp ở da đầu trẻ em nhưng vẫn có những trường hợp xảy ra ở người lớn. Ở đàn ông, thương tổn có thể gặp ở vùng râu cằm”, bác sĩ Thành tư vấn.

Hai chị em da đầu tổn thương như sình lầy vì một thói quen amp;#34;dễ thươngamp;#34; khi ngủ, nhà có điều kiện càng hay gặp - 2

Bác sĩ Thành khuyến cáo mọi người không nên ăn ngủ cùng thú cưng vì nguy cơ lây bệnh rất cao. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Tiến Thành khuyến cáo, khi đã bị nhiễm nấm da do tiếp xúc với chó, mèo... người mắc cần vệ sinh cá nhân thường xuyên; Tránh mặc quần áo ẩm ướt; Cần ngâm đồ vào nước đun sôi và ủi thường xuyên hoặc phơi dưới ánh nắng, nhất là quần áo lót; Tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn lây như chó, mèo...; Không dùng chung trang phục, chăn màn với người mắc bệnh; Tránh tắm lá cây hay tự ý đắp thuốc điều trị.

Theo bác sĩ, bất cứ khi nào thấy tổn thương vùng da, hoặc nghi do nhiễm nấm thì cần điều trị sớm, điều trị đúng mới mang lại hiệu quả cao. Nếu để lâu, tổn thương lan rộng nhiễm trùng, việc điều trị sẽ phức tạp và khó khăn hơn. Tóc ở vùng tổn thương thường sẽ mọc lại sau khi đã hết nhiễm trùng, tuy nhiên, rụng tóc có thể vĩnh viễn trong những trường hợp nhiễm trùng kéo dài.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, các gia đình nuôi chó, mèo... nên thường xuyên vệ sinh, tắm và điều trị nấm nếu vật nuôi bị nhiễm. Kiểm tra sức khỏe và tẩy giun sán định kỳ cho thú cưng và không nên cho vật nuôi ăn uống hay ngủ chung trên giường với người.

Hay chơi với chó mèo, bé trai tử vong sau một tháng con chó của gia đình nuôi đột ngột chết
Khi tới viện, bệnh nhi đã suy hô hấp, co giật, xuất tiết nhiều đờm dãi. Bố mẹ cho biết, em từng thường xuyên chơi với chó mèo và một tháng trước, chó của gia đình chết không rõ nguyên nhân.

Bệnh dại

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành