Hàng loạt trẻ mắc cúm nhập viện, bác sĩ chỉ rõ 4 sai lầm khiến bệnh càng nặng hơn

Ngày 26/02/2019 18:53 PM (GMT+7)

Đã có hàng chục bệnh nhi nhập viện do mắc cúm kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đáng chú ý đa số trẻ nhập viện do phụ huynh chủ quan hoặc mắc sai lầm khi trẻ bị bệnh.

Ths.BS Nguyễn Thị Hiền – Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội) cho biết, kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay khoa tiếp nhận trên 40 bệnh nhân mắc cúm mùa vào điều trị. Trong số đó, nhiều trẻ có biến chứng viêm phổi nặng.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến trẻ nhập viện do mắc cúm mùa gia tăng trong thời gian vừa qua, BS Hiền cho rằng đó là do sự chủ quan của gia đình khi không tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho trẻ. Đa số trẻ nhập viện < 5 tuổi. Qua quá trình khám và điều trị bệnh cho trẻ, BS Hiền chỉ ra một số sai lầm phụ huynh hay mắc phải.

Hàng loạt trẻ mắc cúm nhập viện, bác sĩ chỉ rõ 4 sai lầm khiến bệnh càng nặng hơn - 1

BS Hiền đang thăm khám cho một bệnh nhi mắc cúm tại khoa.

Thứ nhất, đó là khi trẻ bị sốt cao nhưng bố mẹ không để ý. Hậu quả, khi trẻ bị co giật mới đưa đến viện cấp cứu.

Thứ hai, khi trẻ bị ho, các bậc phụ huynh vẫn cho đến lớp. Việc làm này không chỉ khiến bệnh tình của trẻ tiến triển nặng hơn, mà còn tăng nguy cơ lây nhiễm cho các trẻ khác.

Thứ ba là việc khi con bị ốm, dù chưa biết con mắc bệnh gì nhưng bố mẹ đã ra quầy thuốc tự ý mua về điều trị cho con. BS Hiền cho rằng, việc làm này vô cùng nguy hiểm bởi khi không biết nguyên nhân gây bệnh, không biết cân nặng của trẻ mà tự ý cho trẻ uống thuốc sẽ khiến trẻ đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Thứ tư, đó là việc khi trẻ bị cúm nói riêng, hoặc bị sởi, phát ban bố mẹ thường kiêng không tắm cho trẻ. Đây là một sai lầm nhiều gia đình gặp phải.

Từ những sai lầm trên, cộng với việc chủ quan không đưa trẻ đi khám sớm để biết cách phòng bệnh dẫn tới nhiều thành viên trong gia đình bị lây cúm. “Chúng tôi đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp cả gia đình phải nhập viện điều trị do mắc cúm.”, BS Hiền nói.

Để sớm phát hiện trẻ mắc cúm, không gây nên những biến chứng nguy hiểm, BS Hiền khuyên các bậc phụ huynh khi thấy trẻ sốt trên 38 độ C, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, ho nhiều thì cần đưa đến viện để được bác sĩ khám và tư vấn.

Để phòng cúm, BS Hiền cho rằng, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ngoài ra, cần vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp súc với đồ chơi, cũng như không nên đến gần nơi nghi ngờ có mầm bệnh cúm. Khi bị cúm tăng cường ăn nhiều rau xanh.

30 trẻ nằm viện điều trị do cúm, nếu thấy dấu hiệu này cẩn thận con bị viêm não
Hiện có khoảng 30 trẻ đang điều trị do nhiễm cúm tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương), trong đó có những trẻ bị biến chứng viêm não sau khi mắc...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm