Hạt ươi không chỉ dùng làm thuốc mà còn có thể chế biến thành thức uống bổ mát cho ngày hè nóng bức, mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe.
Hạt ươi là gì?
Hạt ươi hay còn gọi là hạt đười ươi, hạt lười ươi... là hạt của cây đười ươi, một loại cây gỗ thường xanh có nguồn gốc từ Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Hạt ươi có tên khoa học là Scaphium affine hay Sterculia lychnophora, tên tiếng Anh là Malva Nut Tree.
Cây đười ươi có tán trên lớn và thẳng, cao từ 18-40 m, thân cây có đường kính lên đến 80 cm, có bẹ to và thường xòe. Lá cây đười ươi đa dạng về hình dạng và kích thước, có thể hình trứng rộng, hình trứng, hình elip, thuôn dài hoặc hình mác, dài 8-40 cm, rộng 7-30 cm.
Mùa ra hoa đười ươi thường vào tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, mùa hoa chính vào tháng 3. Quả đười ươi ban đầu có màu vàng lục, khi chín chuyển sang màu nâu, có kích thước khá lớn, dài 18-20 cm và rộng 5-6 cm. Bên trong quả đười ươi chính là hạt ươi, dài 3-3,5 cm, rộng 1,4-2 cm, ban đầu nhẵn bóng, sau khi để khô sẽ trở nên nhăn nheo. Hạt ươi có vị ngọt nhẹ hoặc không vị, có tính mát.
Trong y học cổ truyền, hạt ươi được sử dụng như một chất làm mát, ngoài ra còn được sử dụng dể điều trị rối loạn tiêu hóa và làm dịu cổ họng. Hạt ươi thường được thu hái tự nhiên, sau đó phơi khô để phục vụ cho mục đích y học hoặc làm nước uống.
Hạt ươi có tác dụng gì?
Hạt ươi được coi là một loại thảo dược với thành phần dinh dưỡng bao gồm: Tinh bột, chất béo, đường, tanin, chất nhầy và chất đắng, bassorin, galactose, arabinose, pentose.
Những tác dụng tuyệt vời của hạt ươi:
- Thanh nhiệt phổi, chữa viêm họng mãn tính, viêm họng hạt, làm dịu cổ họng.
- Chữa các chứng liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lỵ, táo bón, nhiễm trùng đường ruột, làm ẩm ruột.
- Trị hen suyễn.
- Giảm sốt, long đờm, giảm ho, giảm các bệnh lý hô hấp.
- Điều trị chảy máu cam.
- Điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp như bệnh gai cột sống, đau nhức khớp…
- Trị sỏi thận.
- Điều trị bệnh viêm đường tiết niệu.
- Trị mụn nhọt, giúp làm đẹp da.
Bên cạnh đó, hạt ươi còn được sử dụng trong mục đích nấu nướng. Do có tính mát nên hạt ươi thường được sử dụng trong các món ăn và đồ uống, dùng để pha chế nước giải khát, ăn cùng đường hoặc hoa quả khác.
Cách dùng hạt ươi: Hạt ươi thường được dùng dưới dạng ngâm nở, mỗi lần dùng từ 3-5 hạt.
Cách sử dụng hạt ươi
- Ngâm hạt ươi cho nở, sau đó trộn với đường và ăn.
- Sao vàng hạt ươi rồi đem nấu nước uống hàng ngày.
- Ngâm hạt ươi cho nở, sau đó bóc lớp vỏ bên ngoài để lấy nhân bên trong, trộn với đường rồi uống.
- Pha trà hạt ươi.
Lưu ý khi dùng hạt ươi
- Không nên ăn hạt ươi khô, chưa được ngâm nước cho nở bởi khi cho hạt ươi khô vào nguyên liệu, nó sẽ hấp thu nước, trương nở, có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ruột, gây đau bụng và khó thở.
- Người mắc bệnh tiêu hóa hoặc có các vấn đề về hệ tiêu hóa, ví dụ như thường xuyên bị đau bụng, cũng không nên dùng hạt ươi.
- Nên dụng hạt ươi ở lượng vừa phải, mỗi lần từ 3-5 hạt, tránh lạm dụng quá nhiều hạt ươi vì có thể gây ra một số tác dụng phụ. Tác dụng phụ của hạt ươi khi tiêu thụ quá nhiều thường là xuất hiện đờm, nước đờm trắng, buồn nôn, ho và sưng lưỡi.
- Không nên ngâm quá nhiều hạt ươi cùng lúc để dùng dần, tốt nhất là dùng đến đâu ngâm đến đó.
- Trẻ em và phụ nữ có thai không nên sử dụng hạt ươi.
- Sử dụng hạt ươi có nguồn gốc rõ ràng, không chứa chất bảo quản hoặc tẩm chất tẩy rửa.
Nguồn tham khảo: Facts about Malva Nuts Tree - Đăng tải trên trang web sức khỏe Health Benefits Times. |