Bạn có bao giờ thức giấc với cảm giác mệt mỏi, thậm chí mệt hơn cả trước khi đi ngủ? Đau đầu, đau họng, nghẹt mũi, nhức đầu … là tình trạng bạn phải đối mặt thường xuyên khi tỉnh dậy? Nếu câu trả lời là “có”, thì rất tiếc phải thông báo, có thể chính phòng ngủ thân yêu đang gây bệnh cho bạn.
1. Gối
Sau một ngày làm việc căng thẳng, thật tuyệt vời khi được ngả lưng xuống những chiếc gối êm ái. Nhưng thật không may, gối lại chứa một lượng lớn bụi bẩn có hại cho sức khoẻ, bao gồm cả vi khuẩn và bào tử nấm mốc, dẫn đến các hiện tượng như dị ứng, ho, đau họng, nhức đầu,… Gối nên được thay thế ít nhất mỗi năm một lần, trong trường hợp bạn không có điều kiện giặt là thường xuyên. Bạn nên giặt vỏ gối một tuần hai lần để đảm bảo vệ sinh tối ưu.
2. Cây cảnh
Cây cảnh không chỉ tăng màu sắc cho căn phòng mà còn có tác dụng thanh lọc không khí. Nhưng nếu khi tưới cây bạn có xu hướng tưới ngập nước, cây của bạn sẽ sớm chết, hơn nữa đất sẽ trở thành "nhà" cho các bào tử nấm mốc phát triển, gây ra các triệu chứng dị ứng ở những người dễ mắc bệnh suyễn hoặc dị ứng không khí.
3. Nến thơm
Không thể phủ nhận sự lãng mạn và ấm cúng mà nến mang lại, nhưng nếu bạn đốt nến thơm thường xuyên, chắc chắn bạn sẽ gặp phải những tác dụng phụ không đáng có. Nến thơm có thể giải phóng các chất độc hại như benzene và toluene khi chúng cháy, và hương thơm của chúng có thể gây kích ứng cho những người nhạy cảm với các chất hoá học.
4. Máy hút bụi
Mặc dù máy hút bụi là “cứu cánh” mỗi khi dọn dẹp căn phòng, nhất là những ngóc ngách “khó nhằn”. Nhưng nếu bạn đang sử dụng máy hút bụi không có lưới lọc HEPA, thì ngay sau khi hút bụi, các chất bẩn vẫn có thể phân tán lại trong không khí. Và đừng quên đổ phần bụi đi sau khi dọn dẹp, nếu không nó sẽ thành một cái "ổ" bụi trong phòng của bạn.
5. Các sản phẩm tẩy rửa
Tác dụng phụ thường thấy của các “siêu nhân” tẩy rửa là kích ứng mắt và gây ra các vấn đề về hô hấp hoặc nhức đầu. Đó là bởi vì trong các sản phẩm tẩy rửa thường chứa các chất như hương liệu, VOCs và các thành phần gây kích thích khác. Thay vào đó, sử dụng các sản phẩm tẩy rửa từ tự nhiên như chanh, sả,… vẫn có thể giữ cho căn phòng bạn sạch sẽ, thoáng mát.
6. Cửa sổ
Nếu cửa sổ của bạn đang trong tình trạng đóng vĩnh viễn, thì rất tiếc, đó là một môi trường thuận lợi cho một loạt các chất gây ô nhiễm tích tụ, bao gồm bụi, phấn hoa, các chất tẩy rửa dư thừa,… Cơ quan bảo vệ môi trường tuyên bố rằng, không khí trong nhà có khả năng bị ô nhiễm gấp 2 đến 5 lần so với không khí ngoài trời, một con số đáng kinh ngạc. Vậy nên khi điều kiện thời tiết cho phép, hãy mở cửa để lưu thông không khí trong lành.
7. Máy làm ẩm
Nhiều người có thói quen sử dụng máy làm ẩm để cứu vãn làn da khô nẻ, bong tróc do thời tiết hanh khô, nhất là vào mùa đông. Nhưng nếu không chịu thay nước thường xuyên và bỏ bê việc vệ sinh máy làm ẩm, bạn sẽ không chỉ phải lo lắng về làn da mà còn phải lo lắng cho cả những căn bệnh khác về đường hô hấp.
8. Đệm
Có thể bạn không biết, nhưng thực chất bạn dành 1/3 cuộc đời chỉ để nằm trên đệm. Nhưng bạn sẽ thấy rất bất ngờ và… kinh khủng khi biết rằng trên đệm chứa vô số chất bẩn như các tế bào chết và các chất bài tiết của cơ thể bạn, bụi bẩn, vi khuẩn và cả xác côn trùng. Đệm của bạn cần được vệ sinh thường xuyên giống như các phần còn lại của căn phòng.
9. Thảm
Chắc chắn thảm sẽ mang lại cho bạn cảm giác mềm mại và thoải mái khi đi chân trần, vậy nên đây là lựa chọn hoàn hảo để lót lên sàn nhà. Tuy nhiên, thảm chính là nơi trú ngụ của tất cả các loại bụi bẩn đến từ chính bản thân bạn (khi di chuyển từ nơi này qua nơi khác) hay do thú cưng, nhất là những chú chó mèo bị nhiễm bọ. Thảm phòng ngủ của bạn cần được hút bụi hàng tuần và giặt giũ sạch sẽ mỗi tháng.