Pyriproxyfen là loại hoá chất đang bị nghi ngờ liên quan đến bệnh teo não trẻ sơ sinh.
Trước thông tin một bang của Brazil tạm ngưng sử dụng hoá chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt nhằm ngăn chặn sự sinh sôi ấu trùng muỗi gây
bệnh sốt xuất huyết sau khi có nghiên cứu cho rằng, hoá chất này liên quan đến căn bệnh teo não ở trẻ sơ sinh, ngày 15/2, theo tin từ Bộ Y tế, một số nước trong khu vực và trên thế giới như: Campuchia, Brazil… sử dụng hoá chất Pyriproxyfen trong nguồn nước ăn uống.
Hoá chất Pyriproxyfen đang bị nghi ngờ là thủ phạm gây chứng bệnh teo não ở trẻ sơ sinh, chứ không phải là virus Zika (Ảnh: BBC)
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ sử dụng hoá chất này trong nguồn nước thải để diệt ấu trùng muỗi trưởng thành gây bệnh sốt xuất huyết.
Việt Nam đã cấp phép cho sử dụng Pyriproxifen từ 2015 đến nay. Thông tin về việc Pyriproxyfen gây teo não ở trẻ sơ sinh hiện chưa có bằng chứng khoa học chính xác.
Trước đó, vào tháng 10/2015, Bộ Y tế Brazil thông báo có sự gia tăng bất thường số trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở bang Pernambuco thuộc khu vực Đông Bắc Brazil. Trong khoảng thời gian 2001-2014, hàng năm Brazil ghi nhận trung bình khoảng 163 trường hợp mắc chứng đầu nhỏ.
Trong năm 2015 đến ngày 30/1/2016, đã ghi nhận 4.783 trường hợp mắc chứng đầu nhỏ hoặc có sự bất thường hệ thần kinh trung ương, trong đó có 76 trường hợp tử vong.
Ngành Y tế Brazil đã điều tra 1.113 trường hợp trong số 4.783 trường hợp mắc chứng đầu nhỏ, kết quả: 709 trường hợp không liên quan, 17 trường hợp có kết quả xét nghiệm nhiễm virus Zika, và 387 trường hợp có sự nhiễm trùng bẩm sinh.
Trong số 17 trường hợp xét nghiệm có nhiễm virus Zika, có 2 trường hợp bị xảy thai và 15 trường hợp vẫn còn sống; tất cả các trường hợp này đều sống khu vực Đông Bắc Brasil. Trong số 76 trường hợp tử vong do bất thường hệ thần kinh trung ương, 5 trường hợp tìm thấy virus Zika trong phủ tạng.
Mặc dù các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ có sự liên quan về thời gian xảy ra vu dịch Zika, những điều tra tích cực và các nghiên cứu vẫn cần được tiếp tục được tiến hành để có hiểu biết đầy đủ hơn sự liên hệ tiềm ẩn này.
Vào 8/1/2016, bang Hawaii cũng ghi nhận 2 trường hợp xét nghiệm khẳng định nhiễm virus Zika (do USCDC thực hiện) ở trẻ sơ sinh bị mắc chứng đầu nhỏ tại bệnh viện Oahu. Người mẹ dường như bị nhiễm virus Zika khi du lịch tại Brazil vào tháng 5/2015. Không có sự lưu hành virus Zika tại Hawaii.