Sốt là một dấu chỉ báo động cơ thể có “vấn đề”. Ở trẻ em, sốt thường đi kèm với các bệnh nhiễm khuẩn hay nhiễm vi-rút.
Khi xâm nhập cơ thể, các vi sinh vật gây ra phản ứng viêm được coi là dấu hiệu đề kháng của cơ thể. Quá trình đề kháng giải phóng nhiều chất, trong đó có Interleukin-1, tác động lên trung tâm điều nhiệt ở não làm tăng thân nhiệt, biểu hiện ra ngoài bằng dấu hiệu sốt.
Lợi ích của sốt
Sốt làm giảm sự phát triển của vi khuẩn, vi-rút vì các tác nhân này rất nhạy cảm với sự gia tăng nhiệt độ, dù ít. Sốt giúp bạch cầu đến bộ phận bị nhiễm trùng nhanh hơn với nhiệm vụ tiêu diệt “quân địch”. Sự đề kháng của cơ thể và sốt là các yếu tố giúp con người vượt qua được những trận dịch nguy hiểm như cúm, tả… Vì vậy, sốt là biểu hiện tình trạng cơ thể đang chống lại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh. Ở những người quá suy yếu, không còn đủ sức đề kháng mới không sốt khi bị lây nhiễm.
Các vị trí để đo nhiệt độ
Mỗi bà mẹ cần có một nhiệt kế tại nhà để đo nhiệt độ khi trẻ bị sốt. Đặt tay lên trán, bụng, nách của trẻ mà thấy nóng thì chắc chắn trẻ đang bị sốt. Lúc này cần đo nhiệt độ cho trẻ. Nên đặt nhiệt kế ở các vị trí sau:
- Nhét vào hậu môn: Đây là vị trí tốt vì ít bị ảnh hưởng của các điều kiện bên ngoài, tuy nhiên kết quả chậm trong những trường hợp nhiệt độ tăng nhanh. Đặt nhiệt kế ở vị trí này trong 5 phút.
- Cho ngậm trong miệng, giữa răng và má trẻ: Đo nhiệt độ ở đây chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện bên ngoài (chẳng hạn trẻ vừa uống nước nóng hay nước lạnh). Đặt nhiệt kế trong 5 phút.
- Kẹp vào nách: Ở vị trí này, các em bé có thể vùng vẫy làm gãy nhiệt kế. Đây là vị trí đo nhiệt độ khá phổ biến. Trước khi đặt nhiệt kế nên lau nách trẻ cho khô. Đặt nhiệt kế trong 7 phút.
Nếu ghi nhận nhiệt độ ở nách là 370C và ở hậu môn là 37,50C, chứng tỏ trẻ đang bị sốt. Sốt cao khi nhiệt độ đo ở nách từ 380C trở lên (đo ở nách cộng thêm 0,50C).
Cách xử trí trí khi trẻ sốt
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Nếu trẻ đang mặc nhiều quần áo ấm, hãy cởi bớt. Đặt trẻ nằm nơi thoáng mát, cho uống nhiều nước, nước ép trái cây, vitamin C, B. Cho trẻ bú và ăn nhiều lần trong ngày. Theo dõi nhiệt độ mỗi 6 giờ.
- Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Cởi hết quần áo, dùng 5 khăn nhỏ nhúng vào nước ấm. Sau đó đặt 2 khăn vào nách trẻ và 2 khăn bên háng. Khăn còn lại lau khắp người trẻ. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ trẻ hạ còn 37-37,50C trong vòng 30-45 phút kể từ khi lau mát. Nếu trẻ khóc và không cho đắp khăn lên người thì có thể đặt trẻ vào chậu nước ấm và dùng khăn ấm lau khắp người.
Lưu ý: Không dùng nước lạnh để lau cho trẻ.
Khi nào cần dùng thuốc hạ sốt?
Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao (38,50C trở lên). Nếu trẻ có bệnh lý tim phổi mạn tính, rối loạn chuyển hoá, bệnh hệ thần kinh, có tiền sử co giật khi sốt (trước đây bị co giật khi sốt hoặc người nhà đã từng bị sốt), cần dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt 380C.
Chọn thuốc hạ sốt
- Thuốc tốt nhất là paracetamol (hay còn gọi là acetaminophen). Liều dùng: 10-15mg/kg cân nặng/mỗi lần cho thuốc. Cho trẻ uống mỗi 6 giờ/lần. Có 2 dạng: uống và tọa dược (đặt hậu môn).
- Dạng uống (gói bột, viên, xi-rô): Dùng khi trẻ còn thức.
- Dạng viên đặt hậu môn: Dùng khi trẻ ngủ, nôn mửa, co giật.
Lưu ý: Không dùng ibuprofen, aspirin dể hạ sốt cho trẻ.
Các trường hợp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế
- Trẻ dưới 6 tháng mà sốt trên 37,50C. Ở trẻ lớn hơn, khi sốt từ 38,50C trở lên.
- Sốt dưới 38,50C nhưng kéo dài trên 72 giờ
- Đang sốt mà bất ngờ hạ nhiệt xuống dưới 36,50C.
- Trẻ có một trong các dấu hiệu sau: li bì, ngủ nhiều, đau đầu liên tục, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, cổ cứng, phát ban da, nôn ra máu, đi cầu ra máu, đau khi đi tiểu, khóc không dỗ được, bứt rứt.
- Trẻ khóc khi cử động hoặc khi ba mẹ chạm vào người.
- Trẻ khó thở nhưng sau khi làm sạch mũi vẫn không thấy đỡ hơn.
- Không nuốt thức ăn hoặc không bú được.
- Hết sốt khoảng 24 giờ nhưng sau đó sốt lại.
Xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật
- Đặt trẻ nằm nghiêng một bên (cho đàm nhớt chảy ra ngoài). Hút đàm nhớt nếu có sẵn dụng cụ hút.
- Nhét hậu môn thuốc paracetamol (Febrectol). Cởi bỏ quần áo.
- Lau mát hạ sốt: Nhúng khăn vào nước ấm, vắt ráo. Đặt ở nách, bẹn và lau khắp người. Thay khăn mới mỗi 2-3 phút. Ngưng lau mát khi nhiệt độ nách dưới 380C.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế.