Hầu hạ các vị vua xưa chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nếu làm hợp ý vua thì sẽ được ban thưởng nhưng nếu trái ý, nhẹ thì bị phạt, nặng có thể mất mạng.
Triều đại nhà Thanh là thời kỳ được nhiều người biết đến nhất với ba vị hoàng đế nổi bật là Khang Hy, Ung Chính và Càn Long. Trong đó, hoàng đế Ung Chính là vị vua được nhắc đến nhiều hơn cả và gây được ấn tượng sâu sắc.
Có rất nhiều những câu chuyện về vị vua này được ghi lại trong sử sách và trong cả những ghi chép dân gian. Dường như bất cứ câu chuyện nhỏ nào về vua cũng được dân chúng đặc biệt quan tâm. Tương truyền rằng thời vua Ung Chính có một câu chuyện cắt tóc rất tàn khốc khiến người đời sau vẫn còn nhắc mãi.
Thời cổ đại, điều kiện y tế và vệ sinh không tốt như bây giờ, hoàng đế Ung Chính bị một vết loét lớn ở trên đầu, rất lâu cũng không khỏi. Điều này khiến vua vô cùng khó chịu, thường xuyên bực bội, cáu kỉnh.
Hoàng đế Ung Chính bị vết loét trên đầu khiến vua vô cùng khó chịu mỗi khi phải cạo tóc. (Ảnh minh họa)
Vốn dĩ vết loét này nếu để yên không chạm vào, chỉ cần chữa trị thời gian ngắn sẽ khỏi. Tuy nhiên, đàn ông Mãn Thanh có quy định phải cạo gần hết tóc, chỉ để lại một phần nhỏ để thắt thành bím phía sau đầu. Là vua của một nước, hoàng đế Ung Chính tất nhiên phải làm gương. Hàng tháng, vua đều có những ngày cố định phải cạo đầu.
Tuy nhiên do bị vết loét trên đầu nên mỗi khi cạo tóc, dao cạo chạm vào vết thương khiến vua đau không kể xiết. Thời điểm đó một số thái giám trong cung vì vô tình chạm vào vết lở trên đầu vua khi cạo tóc mà bị mất mạng. Vì cắt tóc là công việc đòi hỏi phải có kỹ thuật, trong cung chẳng còn ai có thể cạo tóc cho vua nên đã tìm kiếm thợ cắt tóc bên ngoài có tay nghề cao.
Dù vậy, trên đầu hoàng đế có vết lở loét, ngay cả thợ lâu năm ngoài cung cũng rất khó có thể xử lý mà không chạm vào vết thương. Kết quả là 6 người thợ cắt tóc được truyền vào cung cũng một đi không trở lại. Tin đồn vào cắt tóc cho vua xong mất mạng khiến các thợ cắt tóc ngoài cung kinh hãi, sợ hoàng đế tìm đến mình nên nhiều người lần lượt nghỉ việc, bỏ trốn về quê.
Trong khi mọi người đều tránh chuyện cạo đầu cho hoàng đế, một vị đạo sĩ không sợ chết đã tình nguyện vào cung làm công việc mà bao người sợ hãi. Kết quả ông không chỉ không mất mạng mà còn có thể ra khỏi kinh thành an toàn và được vua ban thưởng hậu hĩnh, ai nấy đều khen ngợi tài nghệ cao siêu của ông.
Nhiều người vào cung cạo tóc cho vua nhưng kết quả đều bị xử tử. (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, vị đạo sĩ này không phải nhờ tay nghề cao siêu mà là do biết chút y thuật. Trước khi vào cung, ông có hỏi thăm qua thái giám và biết được tình hình của vua, do đó trước khi nhập cung cạo tóc cho hoàng đế, ông đã lén điều chế ma phi tán (một loại thuốc gây mê cổ đại).
Khi vào cung, ông đã đổ ma phi tán vào nước và yêu cầu hoàng đế gội đầu bằng nước đó trước khi cạo tóc. Dưới tác dụng của ma phi tán, vua khi cắt tóc sẽ không còn cảm thấy đau đớn nữa. Hoàng đế khi ấy rất vui mừng muốn thu nạp vị đạo sĩ làm thợ cắt tóc riêng nhưng ông từ chối, nói rằng đã quen với việc du ngoạn khắp nơi.
Trước khi rời đi, vị đạo sĩ đã truyền lại phương pháp của mình cho các hoạn quan, kể từ đó, không ai bị xử tử vì cạo đầu cho hoàng đế.
Ma phi tán là gì?
Dù không rõ câu chuyện trên hoàn toàn có thật hay không nhưng ma phi tán quả thực là loại thuốc đã được ghi chép trong sử sách.
Người xưa ghi lại rằng ma phi tán là loại thuốc gây mê đầu tiên trên thế giới, được tạo ra bởi danh y Hoa Đà - một trong ba danh y kiệt xuất vào cuối thời Đông Hán. Hoa Đà được biết đến trong việc tạo ra nhiều đột phá y học trong điều trị lâm sàng các bệnh nội, ngoại, phụ khoa, nhi khoa và đặc biệt nổi tiếng với việc tạo ra ma phi tán.
Trong Hậu Hán thư - Tiểu sử của Hoa Đà có viết: "Nếu vết thương ở bên trong cơ thể, không thể dùng châm cứu và thuốc trị, Hoa Đà sẽ cho bệnh nhân uống ma phi tán. Một lúc sau, bệnh nhân như say rượu và bất tỉnh. Sau đó, Hoa Đà có thể bắt đầu thực hiện một ca phẫu thuật và loại bỏ các vết thương.
Mặc dù không có bất kỳ ghi chép nào về công thức ma phi tán ban đầu của Hoa Đà, nhưng người ta thường tin rằng nó bao gồm cần sa, thân rễ của cây kỷ tử Trung Quốc và cà độc dược cùng nhiều thành phần khác mà chưa được biết rõ.
Mục đích thiết yếu của ma phi tán là dùng trong lĩnh vực y tế, để làm giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, loại ma phi tán này đã bị mất sau cái chết của Hua Tuo, rất ít người biết được công thức trọn vẹn.
Hoa Đà được cho là đã sáng chế ra loại thuốc gây mê đầu tiên trên thế giới với tên gọi Mafeisan.
Dù người đời sau không còn biết rõ cách điều chế ma phi tán nhưng trong lịch sử phát triển của y học, nhiều loại thuốc mê đã được nghiên cứu và ra đời, đóng vai trò quan trọng trong ngành y. Thuốc gây mê ngày nay thường được sử dụng trước, trong khi phẫu thuật, thủ thuật để đảm bảo bệnh nhân không có cảm giác đau trong suốt quá trình đó.
Hiện nay có các hình thức gây mê khác nhau như: gây mê theo vùng, gây mê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Tùy thuộc vào từng bệnh cảnh, thể chất, cân nặng của bệnh nhân và loại thuốc gây mê, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng thuốc và hình thức gây mê phù hợp.
Thông thường, thuốc gây mê sẽ được tiêm tĩnh mạch hoặc theo đường khí dung để đi vào cơ thể, giúp bệnh nhân an thần, mất phản xạ, giãn cơ, loại bỏ những cảm giác (nhất là cảm giác đau) của cơ thể. Tuy nhiên kỹ thuật của bác sĩ gây mê rất quan trọng bởi vì nếu tính toán hàm lượng thuốc quá ít sẽ không đủ để gây mê bệnh nhân. Còn nếu thuốc bị tiêm quá liều lượng có thể sẽ khiến người bệnh bị nhiễm độc.