Khi tử cung bị sa độ 4, khoảng hơn 8cm, nếu không nhìn mặt của bệnh nhân, nhiều người sẽ bị nhầm lẫn về giới tính.
Rối loạn chức năng sàn chậu là căn bệnh nhiều người phụ nữ hay gặp hiện nay, đặc biệt với những người sinh nở nhiều, lao động vất vả. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn, dẫn đến sa tử cung, sa các tạng vùng chậu gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và đời sống vợ chồng.
Ths. Bs CKII Nguyễn Thị Bích Thủy.
Theo Ths. BS CKII Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng khoa khám phụ khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đối tượng bị rối loạn chức năng sàn chậu là phụ nữ sau sinh đẻ khoảng ngoài 30 tuổi trở ra và phổ biến nhất là khoảng ngoài 40 tuổi với những biểu hiện như són tiểu, tiểu không kiểm soát.
Vì chưa ý thức được những biểu hiện đó là bệnh nên nhiều chị em không đi khám ngay từ giai đoạn sớm để có những bài tập củng cố giúp sàn chậu vững chắc hơn, dẫn đến hậu quả nặng nề như có thể sa sinh dục, sa các tạng vùng chậu sau này.
Những người bị rối loạn chức năng sàn chậu thường có biểu hiện phổ biến là són tiểu, tiểu không kiểm soát. (Ảnh minh họa)
“Khoa đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân sau sinh đẻ vài lần đã có những dấu hiệu của rối loạn chức năng sàn chậu như són tiểu, không kiểm soát được tiểu, chỉ cần cười lớn là bị són tiểu. Thậm chí, có bệnh nhân chỉ mới sau một lần sinh đã bị rối loạn chức năng sàn chậu, sa tử cung ra ngoài khoảng 1-2cm.
Đặc biệt, khoa cũng tiếp nhận những bệnh nhân bị nặng, sa tử cung mức độ 4, khoảng hơn 8cm. Mới đây nhất là cụ bà 105 tuổi, sa tử cung mức độ 4 đã được đặt vòng nâng thành công”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Chia sẻ thêm về trường hợp sa tử cung độ 4 của cụ bà 105 tuổi, bác sĩ Thủy cho biết, bộ phận sa không chỉ mất thẩm mỹ mà còn gây viêm nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên sau khi được tư vấn và điều trị theo phương pháp đặt vòng nâng Pessary đơn giản, thuận tiện, không cần phải phẫu thuật, hiện nay cụ bà 105 tuổi đã trở về nhà sinh hoạt bình thường.
Cũng theo bác sĩ Thủy cho biết, với những người bị sa tử cung mức độ 4, nếu không được nhìn mặt bệnh nhân, mọi người có thể bị nhầm lẫn về giới tính, vì nghĩ phần sa là bộ phận sinh dục của nam giới.
Trước đây, một đồng nghiệp của chị khi mới ra trường năm đầu, làm cầu truyền hình trực tiếp về ca mổ sa tử cung, vì không nhìn thấy mặt bệnh nhân, chưa hiểu về bệnh mà chỉ nhìn bộ phận sa dài khoảng 8cm nên đã nghĩ đó là nam. Và đó cũng là kỷ niệm không bao giờ quên đến tận sau này.
Bác sĩ Thủy khuyên các chị em cách phòng sa tử cung: "Phụ nữ nên tập những bài tập cơ sàn chậu từ sớm để để ngăn ngừa và điều trị biểu hiện của rối loạn chức năng sàn chậu sau này, cũng như cải thiện đời sống tình dục tốt hơn."
Được biết, cụ bà 105 tuổi bị sa tử cung nhiều năm, nhưng khoảng một tháng nay, phần sa nhiều hơn khoảng gần 10cm. Người nhà cụ bà 105 tuổi cho hay: “Phần sa đỏ, ra nhiều dịch nhầy có mùi tanh. Gia đình đã cho tìm chữa các cách một tháng nhưng không khỏi, dừng vài ngày ngày lại sa ra như cũ. Cuối cùng, gia đình tôi đưa cụ đến viện Phụ sản Hà Nội khám, được bác sĩ chuyên khoa sàn chậu tư vấn kỹ càng và hướng dẫn đặt vòng nâng Pessary nên hiện nay đã cải thiện hơn.” |