Hôm nay (8/3), Việt Nam tiêm vắc xin phòng COVID-19: Ngành Y tế đã chuẩn bị cho mọi tình huống

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 08/03/2021 09:22 AM (GMT+7)

Bộ Y tế cho biết cũng giống như các loại vắc xin khác, vắc xin COVID-19 được triển khai tiêm ở Việt Nam có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm từ nhẹ đến nặng.

Lãnh đạo Bộ Y tế trực tiếp giám sát việc tiêm vắc xin phòng COVID-19

Mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 – 2022.  Theo đó, bắt đầu từ ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vắc xin đầu tiên tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. 

Để thực hiện việc tiêm chủng diễn ra theo đúng kế hoạch, sáng 8/3 Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dưới sự giám sát của các đoàn công tác của Bộ Y tế do các Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn dẫn đầu. 

Hôm nay (8/3), Việt Nam tiêm vắc xin phòng COVID-19: Ngành Y tế đã chuẩn bị cho mọi tình huống - 1

Cán bộ, lực lượng chủ chốt thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 trước.

Đối tượng được ưu tiêm trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh. Cụ thể đó là các nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên. 

Tại điểm tiêm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), sẽ tiêm cho khoảng 100 người.

Tại Hải Dương, theo kế hoạch Trung tâm Y tế TP Hải Dương sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, dự kiến nữ bác sĩ trẻ của Khoa cấp cứu Hồi Sức tích cực chống độc người lớn là người được tiêm đầu tiên.

Trước đó, ngày 6/3/2021, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC. 

Lên mọi phương án để phòng sự cố xảy ra

Đặc biệt, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vắc xin mới, vì vậy ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho mọi tình huống có thể xảy ra. 

Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm. 

Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2. 

Hôm nay (8/3), Việt Nam tiêm vắc xin phòng COVID-19: Ngành Y tế đã chuẩn bị cho mọi tình huống - 2

Giống như các loại vắc xin khác, vắc xin phòng COVID-19 cũng có thể gây nên những phản ứng không mong muốn.

Hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là ưu tiên cao nhất của Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo quy định để đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin. 

Bên cạnh đó, các tuyến thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao.

Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin COVID-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. 

Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. 

Hiện nay do nguồn cung vắc xin trên toàn cầu rất hạn chế, để triển khai sớm vắc xin phòng COVID-19 trên diện rộng, Bộ Y tế đang tích cực thúc đẩy đàm phán để nhập khẩu vắc xin từ các nguồn, đồng thời khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc xin trong nước để đảm bảo tự chủ nguồn vắc xin phòng COVID-19 bền vững. 

Vắc xin của AstraZeneca, một trong ba vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Số lượng 117.600 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vắc xin này) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vắc xin được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn. 

Vắc xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng. 

Với vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này, mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp. 

8 vấn đề cần biết về loại vắc xin phòng COVID-19 vừa được nhập khẩu vào Việt Nam
Loại vắc xin vừa mới được nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được triển khai tiêm trong những ngày tới, tuy nhiên mọi người cần hiểu rõ một số vấn đề trước khi...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vắc xin COVID-19