Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu ban chỉ đạo các quận, huyện có kế hoạch dự trù về số lượng vắc-xin được phân bổ, để ưu tiên cho các nhóm đối tượng theo quy định. Mục tiêu tiêm chủng là đảm bảo trên 95% đối tượng trên 18 tuổi trên địa bàn đều được tiêm chủ
Chiều 1/3, bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban thường trực BCĐ phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội cho biết, việc kiểm soát dịch tễ và truy vết những trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh số 2229 là người Nhật đã được tiến hành rất nhanh chóng. Kết quả có 3 ca mắc trong chùm ca bệnh này.
Chùm ca bệnh số 2229 là bệnh nhân người Nhật tử vong tại khách sạn Somerset (quận Tây Hồ). Kết quả giải trình gen với ca bệnh 2229 và F1 của ca bệnh này là BN2234 cho thấy, chủng virus này thuộc chủng 20C, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và không phải nguồn bệnh lây lan trong cộng đồng.
Những đối tượng liên quan đều đã được kiểm soát và cách ly. Do đó, đến nay, đã cắt đứt được nguồn lây và không còn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đối với chùm ca bệnh này.
Theo Sở Y tế, do lượng vắc-xin chưa đủ tiêm cho người dân Thủ đô nên đề nghị các địa phương kiên định triển khai các phương án phòng chống dịch một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Về vấn đề vắc-xin, bà Hà cho biết, ngày 26/2/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21 về việc mua vắc-xin phòng chống COVID-19, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, quản lý và sử dụng vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên.
"Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP có văn bản đề nghị có thể hỗ trợ mua được cho người dân với dự kiến khoảng 15 triệu 782 liều vắc-xin, sẽ cung cấp tiêm cho các nhóm ưu tiên là lực lượng đầu chống dịch như: Nhân viên y tế, thành viên ban chỉ đạo, những người sinh sống tại vùng có dịch, người làm việc tại khu vực cách ly, tổ COVID cộng đồng, người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền…", bà Hà cho hay.
Bà Hà yêu cầu BCĐ các quận, huyện có kế hoạch dự trù về số lượng vắc-xin này để ưu tiên cho các nhóm đối tượng theo quy định, với mục tiêu tiêm chủng làm sao đảm bảo trên 95% đối tượng trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố được tiêm chủng.
Bà Hà nhấn mạnh: "Sau khi Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch vắc-xin thì Sở Y tế sẽ có kế hoạch triển khai trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, vắc-xin chưa đủ tiêm cho toàn bộ các đối tượng theo dự tính. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta xác định vẫn phải kiên định triển khai các phương án phòng chống dịch một cách tốt nhất, hiệu quả nhất".
Sở Y tế cũng đề nghị BCĐ quận huyện thống nhất tổ chức việc kiểm tra giám sát các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là hành nghề y dược tư nhân. Đến nay, đã đình chỉ hoạt động 2 phòng khám ngoài công lập là phòng khám trên địa bàn quận Tây Hồ và quận Nam Từ Liêm, do không đảm bảo tiêu chí phòng khám an toàn, bệnh viện an toàn.
Sở Y tế cũng triển khai các cuộc kiểm tra đột xuất về vấn đề này.
Cũng tại cuộc họp, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC đề nghị, người đi, đến, về từ Hải Dương từ 3/3 (ngày địa phương này kết thúc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16) phải tiếp tục khai báo y tế.
Những khu vực về từ các vùng Cẩm Giàng, Kinh Môn, Kim Thành và TP Hải Dương khi về Hà Nội phải cách ly tại nhà 14 ngày.
Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính trong 3 ngày gần nhất thì được học tập, làm việc bình thường.
Theo Gia đình và xã hội
Đồng Tháp: Thêm 2 trường hợp nghi nhiễm COVID-19
2 trường hợp vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đều là người về từ nước ngoài và được cách ly sau khi nhập cảnh.
Sáng 2-3, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết địa phương vừa ghi nhận thêm hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cả hai trường hợp đều là F1 của BN 2424, từng có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, hai trường hợp này được cách ly ngay khi nhập cảnh.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là người từ nước ngoài nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự), được đưa đi cách ly tập trung ngày 28-2. Trường hợp thứ hai nhập cảnh từ nước ngoài và đã qua 14 ngày cách ly tập trung, có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lần 2 trước khi kết thúc cách ly cho thấy dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện cả hai trường hợp đã được đưa đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự. Cơ quan chức năng đang khẩn trương khoanh vùng dịch tễ, phân loại và xác định các trường hợp tiếp xúc để xử lý kịp thời.
Tính đến thời điểm này, Đồng Tháp đang có 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 là BN 2424 và BN 2443 và hai trường nghi mắc mới ghi nhận, tất cả đều là người từ nước ngoài về và được xử lý, kiểm soát tốt khi nhập cảnh.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Tháp đề nghị người dân tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác. Nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế, đặc biệt thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu người dân tích cực phối hợp trong việc cung cấp thông tin, chủ động thông báo khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 và các trường hợp có liên quan đến người về từ vùng dịch.
Theo Pháp luật TPHCM
Bệnh nhân COVID-19 nguy kịch nhất ở Hà Nội hiện ra sao?
Người đàn ông 65 tuổi đã 2 lần âm tính SARS-CoV-2 nhưng vẫn phải chạy ECMO, hiện đã sang ngày thứ 17. Vợ và con trai ông đã khỏi bệnh.
Tới sáng 2/3, cả nước hiện có hơn 500 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Trong số này, có 3 ca tiến triển rất nặng (ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) và hơn 10 ca tiến triển nặng lên.
Trường hợp BN1823 (65 tuổi, quê Mê Linh, Hà Nội) đang chạy ECMO (tim - phổi nhân tạo) ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ngày thứ 17, hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch. Người đàn ông này vẫn thở máy, không dùng vận mạch. Bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân dùng thuốc an thần, giãn cơ, còn run cơ nhiều. Bệnh nhân không phù, được ăn sữa qua sonde dạ dày.
Bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 11 lần, trong 2 lần gần nhất (27/2 và 1/3) có kết quả âm tính.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Ảnh: BV
Đánh giá chung, bác sĩ cho biết bệnh nhân vẫn còn rất nặng nhưng không có diễn biến xấu hơn, kỳ vọng sẽ tiến triển tốt hơn. Các bác sĩ đang nỗ lực để kiềm chế đà xấu đi của sức khoẻ bệnh nhân, giữ bệnh nhân ổn định.
BN1823 có bệnh nền huyết áp cao, tiểu đường 5 năm, nhập viện hôm 1/2. Chỉ sau 6 ngày, nam bệnh nhân có diễn biến nặng. Tới 12/2 (11 ngày sau vào viện) bệnh nhân sốt cao. Hai ngày sau suy hô hấp nặng, phải chuyển từ Khoa Cấp cứu lên Khoa Hồi sức tích cực, đặt ECMO. Đến nay, bệnh nhân đã ở ngày thứ 31 điều trị, ngày thứ 17 đặt ECMO, thở máy.
Đây là người đàn ông trong gia đình có 4 người mắc COVID-19 tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội, liên quan nguồn lây từ nhà máy Z153 ở Đông Anh. BN1823 là bố của BN1725 (nam công nhân nhà máy này).
4 người trong gia đình này nhiễm COVID-19 gồm: BN1725, BN1823, BN1824 và BN2110. Trong số này, BN1824 và BN1725 (là vợ và con của BN1823) đã khỏi bệnh, ra viện. BN2110 chỉ mới 2 tháng tuổi, từng có nguy cơ diễn biến nặng (hình ảnh chụp phổi tổn thương tới 70-80%) nhưng đã phục hồi, diễn biến tốt, nhiều lần âm tính.
Tại Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, BN2332 (60 tuổi) từng rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu, nay đã cho kết quả âm tính lần 2 với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân này vẫn điều trị tại phòng hồi sức tích cực nơi đang có 5 bệnh nhân nặng. Nam bệnh nhân quê Kinh Môn, Hải Dương từ hôm qua đã không còn thở oxy (tự thở khí trời, có khó thở nhẹ), trước đó tới ngày 27/2 ông vẫn phải thở oxy gọng. Nay, ông đã đi lại được và có kết quả xét nghiệm 2 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2 (trong 2 lần xét nghiệm hôm 26 và 28/2).
BN2332 nhập viện ngày 18/2, chỉ hơn 12 giờ sau đó rơi vào tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã phải tính đến phương án can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Kết quả chụp CT phổi cho thấy phổi của bệnh nhân bị tổn thương lan tỏa kín hai bên.
Sau quá trình điều trị tích cực tại Bệnh viện Dã chiến số 2, người đàn ông 60 tuổi đã phục hồi dần.
Theo Gia đình và xã hội