Mới mang thai ở tuần thứ 32, thai phụ có cảm giác đau bụng tăng dần nên đến viện khám. Kết quả ngoài sức tưởng tượng khi hai thai của chị nằm ở hai tử cung khác nhau.
BSCK II Vũ Thị Dung - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, Bệnh viện mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho một sản phụ 29 tuổi mang thai đôi vô cùng hiếm gặp.
Theo bác sĩ Dung, thai phụ M.P nhập viện trong tình trạng đau bụng tăng dần khi mang thai đôi tự nhiên, ở tuần thứ 32. Sau khi thăm khám, xem hình ảnh siêu âm, các bác sĩ rất bất ngờ phát hiện hai thai đôi của sản phụ này nằm tại hai tử cung khác nhau và đang có dấu hiệu chuyển dạ.
Trước đó, sản phụ P từng sinh bằng phương pháp mổ bắt thai nên các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật bắt thai cho chị. Ca phẫu thuật diễn ra an toàn, 2 bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng lần lượt là 1.750 và 1.550 gam. Các bé được chăm sóc ngay tại khoa phẫu thuật trước khi chuyển đến Khoa Sơ sinh của Bệnh viện để theo dõi. Hiện sức khỏe của cả 3 mẹ con sản phụ đều ổn định.
Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật bắt con cho thai phụ mang thai đôi ở hai tử cung khác nhau.
Bác sĩ Dung cho biết, việc mang thai đôi nhưng ở hai tử cung rất hiếm gặp. Tỉ lệ này trên thế giới ghi nhận 1/50 triệu ca mang thai, điều đặc biệt ở trường hợp này là thai đôi hoàn toàn tự nhiên.
“Với những cặp song sinh, thường 2 thai nhi sẽ phát triển song hành với nhau trong tử cung sản phụ. Tuy nhiên với trường hợp của sản phụ P. thì 2 thai nhi lại phát triển riêng biệt ở 2 tử cung. Đây là trường hợp rất hy hữu lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Được biết, tử cung đôi là tử cung gồm hai buồng tử cung riêng biệt, mỗi buồng đều có thể dẫn đến cổ tử cung và âm đạo. Điều này có nghĩa là người phụ nữ đó có thể có hai tử cung và hai âm đạo riêng biệt cùng hai ống dẫn trứng. Với thai phụ có tử cung đôi, các nhánh động mạch nuôi dưỡng thai nhi sẽ bị phân tán, lòng tử cung hẹp, tử cung co giãn không tốt dễ dẫn đến tình trạng sảy thai, thai nhi chậm phát triển hay thậm chí là chết lưu, sinh non.
Mang thai đôi ở 2 tử cung khác nhau sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau. Ảnh minh họa.
Tử cung đôi thường hình thành khi bào thai đang phát triển trong bụng mẹ. Trong suốt quá trình phát triển của phôi thai, tử cung của thai nhi sẽ được hình thành nhờ vào quá trình sáp nhập hai ống dẫn song song, từ đó tạo thành một tạng rỗng chính là tử cung. Nếu quá trình sáp nhập này không gặp bất cứ khó khăn hay trở ngại nào thì sẽ tạo thành một tử cung hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Trái lại, nếu xảy ra bất thường trong khi sáp nhập có thể dẫn tới tình trạng tử cung hai sừng hoặc tử cung đôi.
Các bác sĩ cho biết, da phần phụ nữ có tử cung đôi vẫn có đời sống tình dục bình thường, có khả năng mang thai và sinh nở. Song số ít người có tử cung đôi lại gặp các trở ngại như vô sinh, kinh nguyệt thất thường, sảy thai, sinh non, sinh khó... Trường hợp trên là ví dụ điển hình, mang thai ở hai tử cung khác nhau và chuyển dạ sinh khi thai mới 32 tuần.
Thông thường, nếu tử cung đôi không gây ra các biến chứng bất thường nào thì sẽ không cần phải thực hiện phẫu thuật. Trong trường hợp, kết quả xét nghiệm cho thấy có hai tử cung đôi cùng với hai âm đạo, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật loại bỏ vách ngăn phân chia âm đạo thành hai ngả, nhằm giúp cho thai phụ dễ dàng hơn trong việc sinh con.
Chị em có tử cung đôi đang trong thời gian mang thai phải đặc biệt chú ý tới sức khỏe thai kỳ vì có khả năng cao mắc các nguy cơ như ngôi thai bất thường, thai nhi bị chậm phát triển do buồng tử cung hẹp, sinh non hoặc thậm chí là thai chết lưu. Do đó, mẹ bầu cần đi thăm khám thai định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi và điều trị kịp thời.