Dù biết mình mắc bệnh nhưng chủ quan không điều trị, đến khi mang thai người phụ nữ bị biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe của cả mẹ và con.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường – GĐ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho một người phụ nữ mang thai 25 tuần tuổi, được chẩn đoán bị suy gan cấp trên nền bệnh nhân bị viêm gan B.
Thai phụ tên N.T.N (39 tuổi, ở Tứ Kỳ, Hải Dương), cách đây 10 năm khi sinh con đầu lòng, chị N phát hiện bị viêm gan B. Tuy nhiên do mải làm ăn, chủ quan nên không theo dõi và điều trị dứt điểm.
Trong lần mang thai thứ 3, khi đến tuần thai thứ 25 thì xuất hiện các dấu hiệu vàng da, vàng mắt, chán ăn và khó tiêu, mệt mỏi. Sau khi có các triệu chứng trên, chị N đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương được chẩn đoán suy gan cấp, đe dọa tính mạng cả 2 mẹ con nên đã được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, qua các xét nghiệm bệnh nhân bị suy gan nặng, chức năng gan chỉ còn 32%, men gan tăng gần 50 lần so với mức giới hạn cho phép, mức độ vàng da Billirubin tăng hơn 20 lần mức độ cho phép.
Khi vào viện bệnh nhân đã ở trong tình trạng nguy kịch cả mẹ lẫn con.
Nhận định ban đầu, bệnh nhân ở trong tình trạng rất nguy kịch, có thể đe dọa tính mạng của cả 2 mẹ con. Ngay sau đó, các bác sĩ ở trung tâm nhiệt đới đã liên tục hội chẩn cùng bác sĩ sản khoa để đồng thời điều trị tình trạng suy gan cho mẹ và theo dõi chặt chẽ cho thai nhi.
Đến tuần thai thứ 31, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ nên đã được chuyển đến khoa Sản, các bác sĩ can thiệp kịp thời và đỡ đẻ thành công một bé gái nặng 1.700g. Do sinh non và mẹ bị suy gan cấp trong quá trình mang thai nên hiện em bé vẫn được chăm sóc và theo dõi trong lồng kính tại Trung tâm Nhi khoa của Bệnh viện Bạch Mai.
PGS Cường cho biết, viêm gan B là bệnh thường gặp tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ 8-10% trong dân số. Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đã được áp dụng cho tất cả các trẻ sơ sinh trong vòng 24h.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, PGS Cường khuyến cáo, trước khi có ý định mang thai chị em cần được khám sàng lọc viêm gan B để phát hiện, nếu mắc thì sẽ được quản lý, theo dõi và điều trị theo hướng dẫn, nếu chưa mắc thì phải được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Chị em nên tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế, trong đó có vắc xin viêm gan B khi dự định có thai. Ảnh minh họa.
“Với phụ nữ có thai sẽ được điều trị thuốc kháng virus từ tuần thứ 24, giúp giảm lượng virus lây truyền sang con và cháu bé khi sinh ra thì phải được tiêm phòng vắc xin và huyết thanh phòng viêm gan B. Các bà mẹ cũng được quản lý bệnh viêm gan B theo chương trình. Hiện nay chương trình bảo hiểm y tế đã chi trả thuốc điều trị và các xét nghiệm cho bệnh nhân viêm gan B là bệnh mãn tính có thể quản lý ổn định lâu dài”, PGS.Cường nhấn mạnh.
Theo PGS Cường, điều trị viêm gan B mạn tính là điều trị lâu dài và được quản lý tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở đi. Do đó, bệnh nhân viêm gan B phải được khám, kiểm tra định kỳ, uống thuốc đầy đủ để tránh tình trạng kháng thuốc cũng như tình trạng virus viêm gan B bùng phát, hậu quả cuối cùng là xơ gan và ung thư gan. Sau điều trị tải lượng virus về dưới ngưỡng thì cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mới được ngừng thuốc vì sau ngừng virus sẽ có thể bùng phát trở lại và diễn biến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Lộ trình tiêm vắc xin phòng bệnh với phụ nữ khi có dự định mang thai: Thời điểm trước mang thai: - Mũi tiêm 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella): Nên tiêm muộn nhất trước khi mang thai 1- 3 tháng. - Tiêm phòng viêm gan B: Trước hoặc trong khi mang thai đều có thể tiêm mũi này. Tốt nhất nên tiêm trước khi mang thai. - Cúm: Có thể tiêm ở mọi thời điểm trước hoặc trong khi mang thai. Tốt nhất nên tiêm sớm trước khi mang thai và nhắc lại hàng năm. - Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván: Tiêm 1 liều duy nhất, không cần phải tránh thai sau tiêm. Trong quá trình mang thai: - Với người thai lần đầu: Tiêm 2 mũi uốn ván trong quá trình mang thai. + Mũi 1 tiêm từ tuần 20 trở đi. + Mũi thứ 2 là mũi tiêm nhắc lại, tiêm cách mũi đầu 1 tháng. - Lần có thai tiếp theo: Tiêm 1 mũi vắc xin phòng uốn ván nếu lần đầu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin này. * Lưu ý: Trước khi tiêm nên được thăm khám và có ý kiến tư vấn của bác sĩ Nguồn: Bộ Y tế |