Nhộng tằm là loại côn trùng giàu chất dinh dưỡng và có rất nhiều tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, ít người biết rằng ăn nhộng tằm cũng có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong nếu không biết cách chế biến và bảo quản.
Thông tin nhộng tằm đã qua sơ chế được bày bán ở chợ có màu thâm đen sau khi được “phù phép” bằng hóa chất đã trở thành vàng óng, bắt mắt khiến người tiêu dùng giật mình với món ăn khoái khẩu này.
Được biết, theo tìm hiểu từ Vietq, những con nhộng tằm to hơn nhộng còn trong kén, được bày bán ở chợ với giá rẻ là loại nhộng đã kéo sợi, được luộc chín trước khi bán. Để bắt mắt, những con nhộng này được một số thương lái đem ngâm nước để căng mọng, ngoài ra một số thương lái đã bất chấp nguy hiểm sử dụng hóa chất tẩy trắng để tẩy nhộng nhằm đánh lừa thị giác của người tiêu dùng.
Ngoài nguy cơ ăn phải nhộng tẩm hóa chất, nguyên nhân gặp phải gây ngộ độc là nhộng tằm có chứa nhiều protein (đạm), không thể bảo quản được lâu, dễ bị ôi thiu. Khi không được bảo quản tốt, chất đạm sẽ bị phân hủy thành chất độc gây hại cho cơ thể.
Dưới đây là một số lưu ý cần tránh khi ăn nhộng tằm:
Không ăn khi nhộng để lâu
Khi nhộng tằm chết thường chuyển màu sang vàng nhạt, thâm đen, các đốt trên thân rời rạc, không dính chắc vào nhau. Lúc này, chất đạm sẽ bị phân hủy không còn giá trị dinh dưỡng nữa, mà trở thành chất độc gây hại cho cơ thể. Vì vậy, nếu nhộng tằm để quá 1 tuần khi thời tiết lạnh hoặc quá 20 giờ khi thời tiết nóng thì tuyệt đối không nên ăn.
Nhộng đã mua về tốt nhất nên chế biến, nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 – 5oC.
Không chế biến chung với cá, tôm
Rất ít người biết rằng nhộng tằm nhiễm độc có thể gây ngộ độc, thậm chí có thể dẫn đến tử vong khi không biết cách chế biến và bảo quản. Để tránh ngộ độc từ nhộng tằm, tốt nhất không nên ăn nhộng tằm sống, hoặc mới qua chế biến sơ. Nhộng tằm phải được rửa kĩ lưỡng trước khi chế biến. Lưu ý: Không chế biến nhộng tằm với cá hoặc tôm.
Không ăn khi bị gout
Nhộng tằm có chứa nhiều chất đạm, vì thế những người bị bệnh gout nên kiêng tuyệt đối, ăn vào bệnh dễ tái phát và gây đau ngay lập tức.
Không ăn khi có tiền sử dị ứng
Mặc dù rất giàu dinh dưỡng nhưng nhộng tằm có chứa một số chất gây dị ứng nên những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong nhộng dễ gặp hiện tượng này. Vì thế khi bị dị ứng vì ăn nhộng tằm với triệu chứng như: buồn nôn, chóng mặt, đau bụng dữ dội, đi ngoài, da bị mẩn đỏ cần phải kịp thời đi khám ngay và nên tránh ăn để tránh dị ứng, ngộ độc…
Không ăn quá nhiều
Nhiều người thích ăn nhộng tằm nên thường chế biến một lần ăn nhiều bữa. Tuy nhiên đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc vì ăn nhộng từ tủ lạnh. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù bổ nhưng người dùng không nên ăn quá nhiều, chỉ ăn nhộng tằm một cách phù hợp, khoảng 2-3 bữa/tháng là đủ.
Đối với trẻ em, khi cho ăn nhộng tằm cần cho ăn ít một để thăm dò trước. Nếu trẻ không có dấu hiệu dị ứng thì mới tiếp tục cho ăn lần sau.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng nhộng tằm Trẻ em chậm phát dục: Nhộng tằm 250 con luộc chín, sấy khô, sau đó đem rang vàng với dầu vừng, nêm đủ mắm muối, mỗi ngày ăn 10 con. Trẻ em còi xương: Bạch cương tàm sao qua tán nhỏ, uống mỗi lần 0,5 đồng cân với nước sắc lá bạc hà. Trị giun: Nhộng rang chín mỗi ngày ăn 20 con. Quai bị: Nhộng 10 con, bản lam căn 30g, bồ công anh 30g, sắc uống. Sởi: Nhộng 15g, sà sàng tử 10g, tạo giác thích 10g, bạch tiên bì 10g, khổ sâm 10g, sắc uống. |