Uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết với các bệnh nhân gút nhưng nếu uống sai cách có thể khiến bệnh trầm trọng, khó đi lại dẫn tới phải chống nạng.
Nhắc đến bệnh gút chắc hẳn ai cũng biết, căn bệnh này mang đến cho người bệnh vô vàn đau đớn. Khi lên cơn gút cấp, các khớp sẽ bị đau dữ dội, kèm theo sưng nóng đỏ khớp.
Hơn nữa, bệnh gút nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ tái phát, bệnh ngày càng trầm trọng, cơn đau mỗi lúc một dữ dội hơn, cuối cùng có thể xuất hiện biến dạng khớp, thậm chí ảnh hưởng đến việc đi lại hàng ngày, một số bệnh nhân có thể cuối cùng chỉ đi lại được bằng nạng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh gút nguy hại như vậy, bên cạnh việc điều trị tích cực, người bệnh cũng nên chú ý đến việc điều chỉnh thói quen ăn uống, đặc biệt là những thói quen uống nước sau đây, rất có hại cho tình trạng bệnh và phải điều chỉnh kịp thời.
1. Không thích uống nước
Do nhịp sống ngày càng nhanh của con người hiện đại, nhiều người rất bận rộn trong công việc và cuộc sống, thậm chí không có thời gian để uống nước.
Sau khi bị gút, bạn phải đi tiểu nhiều hơn để đào thải axit uric trong cơ thể ra ngoài, nếu không uống nước thì nước tiểu sẽ bị cô đặc và axit uric sẽ tích tụ trong cơ thể, làm bệnh gút nặng thêm. Người bệnh gút nên uống nhiều nước mỗi ngày, lượng nước uống không được ít hơn 2500ml.
2. Uống nhiều nước canh
Mặc dù một số bệnh nhân gút cũng uống nhiều nước, nhưng đó không phải là nước lọc mà là nước canh đặc, canh hải sản và các loại canh khác. Những loại canh này có hàm lượng purin cao, đun canh càng lâu thì hàm lượng purin trong đó càng cao, nếu bạn uống hàng ngày sẽ sinh ra một lượng lớn axit uric, những axit uric này không thể đào thải ra ngoài kịp thời mà tích tụ lại trong cơ thể, do đó làm trầm trọng thêm bệnh gút.
3. Sử dụng nước giải khát thay nước lọc
Người bệnh gút cần uống nhiều nước nhưng nước lọc vị nhạt nhẽo nên không ít bệnh nhân gút lựa chọn uống các loại nước ép trái cây, nước giải khát, trà sữa… thay nước vì chúng vừa ngon lại cũng có nước. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm, có hại cho sức khỏe.
Dù là trà sữa hay nước ép trái cây, trong quá trình sản xuất đều cho thêm rất nhiều đường. Nếu hấp thụ quá nhiều đường có thể gây béo phì, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến quá trình bài tiết axit uric. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng hết sức để tránh uống các loại nước ngọt hay nhiều đường hàng ngày, nên ưu tiên nước đun sôi để nguội.
4. Thường xuyên nhậu nhẹt
Bệnh nhân gút cũng nên hạn chế nghiêm ngặt việc uống đồ uống có cồn trong cuộc sống hàng ngày, bởi vì thành phần chính của rượu là etanol, sau khi etanol đi vào cơ thể con người, các chất do gan chuyển hóa có thể ức chế quá trình bài tiết axit uric, gây ra các cơn gút cấp. Cho dù đó là bia, rượu vang đỏ hay rượu thường đều phải tránh uống.
Những thói quen uống nước kể trên có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh gút và cần phải tránh trong cuộc sống. Ngoài ra, để kiểm soát nồng độ axit uric, người bệnh nên cố gắng tránh các loại thực phẩm chứa nhiều purin trong chế độ ăn như hải sản, nội tạng động vật… Những thực phẩm này có thể khiến cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric và ảnh hưởng đến khả năng phục hồi.
Bệnh nhân gút nên tiếp tục vận động vừa phải sau giai đoạn cấp tính cũng có thể giúp kiểm soát nồng độ axit uric nhưng tránh vận động quá sức để tránh tạo gánh nặng cho khớp.