Khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm thường ẩn nấp trong thực phẩm nào? Cách diệt tận gốc loại khuẩn nguy hiểm này

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 22/11/2022 15:26 PM (GMT+7)

Sau sự việc hơn 100 trẻ nhập viện do sau bữa ăn trường học, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân là do khuẩn Salmonella. Vậy loại vi khuẩn này thường ở trong thực phẩm nào và nguy hiểm ra sao?

Mới đây cơ quan chức năng đã thông tin, vụ việc hơn 100 học sinh trường iSchool Nha Trang bị ngộc độc là do vi khuẩn Salmonella. Theo thông tin từ trường, trong bữa trưa bán trú trước đó, các học sinh đã ăn các món như cơm gà, sốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh...

Vậy loại vi khuẩn Salmonella nguy hiểm ra sao? Chúng thường ở trong những loại thực phẩm, đồ ăn nào nhất? TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Tổng hội Y học Việt Nam) cho biết, ngộ độc thực phẩm đang trở thành nỗi lo hàng đầu của người dân, bởi đây là nguyên nhân gây nhiều căn bệnh đường tiêu hóa và cũng được cho là nguyên nhân gây ra các căn bệnh ung thư. Trong đó nguyên nhân gây ngộ độc hàng đầu chính là vi khuẩn Salmonella.

Bữa ăn trước khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ở một trường học tại Nha Trang.

Bữa ăn trước khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ở một trường học tại Nha Trang.

TS Hồng Sơn cho biết, Salmonella là một loại vi khuẩn sống trong phủ tạng của gia cầm, gia súc và tràn vào thịt trong quá trình giết mổ. Ngoài ra, chúng cũng có mặt ở phân và dễ dàng "đột nhập" vào trứng gia cầm qua những lỗ nhỏ li ti ở vỏ. “Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong”, TS Sơn cảnh báo.

Theo bác sĩ Hồng Sơn, tất cả các loại thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật, thậm chí là một số loại hải sản, trái cây cũng đều có thể bị nhiễm Salmonella. Chính vì lý do đó, mọi người cần tránh ăn các loại thịt gia súc, gia cầm, trứng sống hoặc các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng.

Salmonella có thể bị tiêu diệt khi nấu chín kỹ thức ăn. Việc rửa sạch thực phẩm trước khi nấu là cần thiết nhưng không thể loại bỏ được vi khuẩn Salmonella, nhất là trong giai đoạn có dịch bệnh. Vì thế, khi thấy nghi ngờ về độ an toàn của thực phẩm thì cần loại bỏ ngay. Trong quá trình chế biến thực phẩm cần nấu chín kỹ, không sử dụng thực phẩm tái sống, nhất là thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Khuẩn Salmonella tồn tại trong thực phẩm còn sống rất lâu, nên chế biến cần phải nấu chín kỹ.

Khuẩn Salmonella tồn tại trong thực phẩm còn sống rất lâu, nên chế biến cần phải nấu chín kỹ. 

Đáng chú ý, Salmonella có sức đề kháng rất cao, khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài tốt, trong môi trường nước hay phân khoảng 2 - 3 tuần; trong nước đá 2 - 3 tháng. Salmonella sống được cả ở trong thực phẩm có nồng độ muối, đường cao. Tuy nhiên, Salmonella bị huỷ trong vòng 1 giờ ở nhiệt độ 50 độ C hoặc trong vòng 5 phút ở nhiệt độ 100 độ C.

Các triệu chứng của nhiễm vi khuẩn Salmonella bao gồm đau bụng, tiêu chảy và sốt, thường khởi phát trong vòng 12-72 giờ sau ăn. Phần lớn bệnh nhân chỉ cần bù nước và tự hồi phục trong 4-7 ngày mà không cần can thiệp y khoa. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngộ độc nặng, thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu.

Để phòng nhiễm Salmonella, khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông bám vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...

Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ. Người đang bị một bệnh nhiễm khuẩn không nên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (chuẩn bị, chế biến, nấu nướng).

Hơn 600 học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc nghi do nhiễm khuẩn Salmonella
Theo kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân, vi khuẩn Salmonella được xác định là tác nhân khiến hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc, trong đó có một trẻ tử vong. Thông tin trên vừa được Sở Y tế Khánh Hòa cho biết tối 21/11.

Ngộ độc thực phẩm

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngộ độc thực phẩm