Lựa chọn đúng thời điểm để làm một số việc quen thuộc như ăn sáng, đi tắm, tập thể dục thể thao có thể giúp bạn thu được nhiều lợi ích hơn.
Mọi người đều muốn có thể làm điều đúng đắn vào đúng thời điểm, và để có cuộc sống lành mạnh cũng cần như vậy. Do đó, cho dù là ăn, uống, tắm, tập thể dục và các hoạt động hàng ngày khác, nhiều người bắt đầu tự hỏi có thời gian nào tốt nhất để làm điều đó?
Không có thời gian cố định nào cho bất cứ việc gì nhưng thực sự có những thời điểm tốt hơn cho một số việc, và nó có thể mang lại nhiều lợi ích cho bạn hơn.
1. Ăn sáng 7-9h30 để nuôi dưỡng dạ dày
Khoảng 7h sáng, dù bạn còn nằm trên giường thì dạ dày và đường ruột bắt đầu hoạt động, lúc này dạ dày và đường ruột đang trong thời kỳ hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả. Hơn nữa, bữa sáng cần thiết để trung hòa sự tiết ra axit dạ dày và men tiêu hóa, nếu không rất dễ gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
Ngoài ra, các chuyên gia của Đại học Tel Aviv, Israel chỉ ra rằng thời điểm ăn sáng sẽ ảnh hưởng đến “đồng hồ sinh học” điều chỉnh lượng đường trong máu sau ăn và phản ứng insulin, có liên quan đến bệnh béo phì, tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao và tim mạch. Ăn sáng trước 9h30 có thể giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường.
Do đó, thời gian ăn sáng được bố trí tốt nhất là từ 7 giờ đến 9 giờ 30 phút.
2. Ăn một quả táo trước bữa ăn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu
Người ta nói “sáng táo vàng, trưa táo bạc, tối táo độc”. Trên thực tế, từ góc độ dinh dưỡng, cho dù bạn ăn táo vào buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối, giá trị dinh dưỡng của nó không thay đổi. Tuy nhiên, không nên ăn táo ngay sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, từ góc độ kiểm soát lượng đường trong máu, có một thời điểm ăn táo rất tốt để giảm phản ứng đường huyết sau khi ăn - đó là 30 phút trước bữa ăn.
Ngoài ra, khi làm thí nghiệm so sánh ba loại trái cây cam, táo và lê trong việc kiểm soát lượng đường huyết, táo có tác dụng kiểm soát lượng đường rõ rệt nhất. Bởi vì nguyên tố crom có trong nó có thể kích hoạt insulin; pectin trong táo có thể làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate; các chất flavonoid có thể giảm sự phong tỏa insulin, hỗ trợ cải thiện việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Cần lưu ý hạn chế ăn trái cây trước bữa ăn với người có chức năng tiêu hóa bình thường.
3. Tập thể dục sáng và tối mang lại hiệu quả khác nhau
Duy trì vận động vừa phải có thể thúc đẩy tuần hoàn máu khắp cơ thể, tăng cường chức năng tim phổi, tăng tỷ lệ trao đổi chất cơ bản, tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch, đồng thời giải tỏa căng thẳng.
Nhưng nhiều người lại thắc mắc tập thể dục buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối tốt hơn? Trên thực tế, tập thể dục vào buổi sáng và buổi tối mang lại những lợi ích khác nhau:
Tập thể dục buổi sáng chống ung thư và kiểm soát đường tốt hơn
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí về Ung thư cho thấy tập thể dục thường xuyên trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 giờ sáng hàng ngày có thể giúp nhịp sinh học bình thường trở lại (rối loạn nhịp sinh học có liên quan đến bệnh ung thư), từ đó giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu trao đổi chất cơ bản của Đại học Copenhagen cho biết quá trình chuyển hóa carbohydrate trong gan được tăng cường khi tập thể dục buổi sáng , do đó hiệu quả kiểm soát lượng đường tốt hơn.
Nhưng lưu ý không nên tập thể dục quá sức khi bụng đói, kẻo gây hạ đường huyết.
Tập thể dục buổi tối, giảm cân tốt hơn
Tập thể dục vào buổi sáng có thể kích thích sự phân hủy chất béo trong gan, trong khi tập thể dục vào buổi tối có thể kích thích sự phân hủy mô mỡ màu trắng.
Sau khi tập thể dục vào buổi tối, mức độ acylcarnitine trong cơ bắp tăng lên, huy động sự phân hủy chất béo, có thể phù hợp hơn với những người giảm béo.
4. Uống nước ngay cả khi bạn không khát
Nước là cội nguồn của sự sống và tốt cho sức khỏe con người. Một nghiên cứu kéo dài 6 năm đăng trên tạp chí American Journal of Epidemiology cho thấy những người uống 5 cốc nước mỗi ngày ít có nguy cơ tử vong vì bệnh tim hơn những người uống 2 cốc trở lên.
Hơn nữa, uống đủ nước cũng rất tốt cho chức năng gan và thận, các cơ quan này có thể giúp loại bỏ các chất thải trao đổi chất độc hại và có hại, đồng thời giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của bạn.
Không có thời điểm tốt nhất để uống nước, theo hướng dẫn chế độ ăn uống của Hiệp hội dinh dưỡng Trung Quốc, những người khỏe mạnh được khuyến nghị uống 1500-1700ml nước mỗi ngày, cứ sau 30 phút uống khoảng hai hoặc ba ngụm. Điều chúng ta thực sự cần chú ý là trong những khoảng thời gian này, dù không khát cũng phải uống nước đúng cách.
Ngoài ra có một số thời điểm nhất định nên uống nước:
1 cốc nhỏ trước khi đi ngủ
Độ nhớt của máu trong cơ thể con người cũng có đồng hồ sinh học, thường cao nhất vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến 10 giờ ngày hôm sau. Buổi tối trước khi đi ngủ bổ sung nước hợp lý có thể giúp giảm độ nhớt của máu.
1 cốc nhỏ vào ban đêm
Khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, máu lưu thông chậm, tim đập cũng chậm, lúc này đặc biệt là đối với những người máu đặc, tiểu đường, huyết áp cao, bệnh mạch vành, máu lưu thông tương đối chậm, dễ hình thành tắc nghẽn. Do đó, uống một vài ngụm nước khi bạn thức dậy vào ban đêm sẽ giúp bôi trơn mạch máu và đẩy những thứ gây tắc nghẽn.
1 cốc sau khi thức dậy vào buổi sáng
Khi ngủ vào ban đêm, cơ thể con người sẽ tiêu hao rất nhiều nước thông qua nước tiểu, da, hơi thở,... Do đó, khi thức dậy buổi sáng nên uống 1 cốc nước và nó cũng có thể thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.
5. Tắm nước ấm trước khi ngủ 1-2 tiếng giúp dễ ngủ hơn
Tắm trước khi đi ngủ không chỉ gột rửa bụi bẩn trong ngày mà còn giúp loại bỏ mệt mỏi, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Reviews of Sleep Medicine đã chỉ ra rằng tắm vào một "khoảng thời gian cụ thể" thì chất lượng và hiệu quả của giấc ngủ sẽ được cải thiện.
Một đánh giá đã xem xét 5.322 báo cáo nghiên cứu về thói quen tắm trước khi ngủ và kết luận:
- Tắm nước nóng trước khi đi ngủ 1-2 tiếng có thể rút ngắn đáng kể thời gian vào giấc ngủ, tăng tốc độ đi vào giấc ngủ trung bình 10 phút, nâng cao chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
- Tắm trước khi đi ngủ 2 tiếng hoặc sớm hơn có thể gây buồn ngủ, nhưng sẽ không rút ngắn đáng kể thời gian đi vào giấc ngủ.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích thêm về nhiệt độ nước tối ưu để tắm, sử dụng hai nhiệt độ nước khác nhau (41°C và 35,5°C) để tắm từ 5 giờ trở lên trước khi đi ngủ và quan sát thấy mức độ buồn ngủ tăng lên trước khi đi ngủ ở nhiệt độ 41°C, trong khi ở 35,5°C, không có sự gia tăng buồn ngủ trước khi đi ngủ. Vì vậy, nên tắm với nhiệt độ nước khoảng 41°C trước khi đi ngủ 2 tiếng.