Dù có nhan sắc, kinh tế khá giả nhưng Hương lại chán, không có cảm xúc khi quan hệ với chồng, cùng lúc đó công việc bị ảnh hưởng do COVID-19 khiến cô phải nhập viện.
Chán làm “chuyện ấy”, công việc giảm sút dẫn đến nhập viện tâm thần
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (thuộc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây số lượng người mắc trầm cảm liên tục gia tăng, nhất là thời điểm toàn xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
“Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng COVID-19 là nguyên nhân gây bệnh tâm thần (trầm cảm), tuy nhiên những ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh”, TS Hồng Thu cho biết.
Vị bác sĩ này cũng cho hay, có nhiều bệnh nhân đến viện do nhiều yếu tố cộng hưởng trước đó, còn COVID-19 chỉ là “giọt nước tràn ly”. Điển hình là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hương (32 tuổi, ở Hà Nội) hiện đang làm cho một công ty nước ngoài, với thu nhập cực khủng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hương có tâm lý bất ổn, chán nản với cuộc sống gia đình, buồn chán, rối loạn cảm xúc… Trước đó, bệnh nhân Hương đã đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh, chỉ đến khi một bác sĩ nghi ngờ cô mắc trầm cảm mới giới thiệu đến bệnh viện tâm thần khám thì nữ bệnh nhân mới phát hiện mình bị trầm cảm.
TS Hồng Thu khuyên chị em cần phải để ý từng dấu hiệu nhỏ về tâm lý, cuộc sống để đi khám kịp thời.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, TS Hồng Thu cho biết trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, bệnh nhân đã bắt đầu xuất hiện những biểu hiện tâm lý bất ổn, đặc biệt là trong chuyện “ân ái” với chồng.
Bệnh nhân chia sẻ, dù rất yêu chồng thường con, nhưng mỗi khi quan hệ lại không có cảm xúc, cảm giác gì mà chỉ coi đó là nghĩa vụ. Bệnh nhân xuất hiện tình trạng trên khá lâu nhưng âm thầm chịu đựng không chia sẻ với ai, hàng ngày chỉ vùi đầu vào công việc.
Tiếp tục khai thác về điều kiện kinh tế, công việc thì được biết, bệnh nhân Hương làm tổ chức sự kiện cho một công ty rất lớn ở nước ngoài, thu nhập hàng tháng lên đến cả tỷ đồng. Trong gia đình, chồng cũng có thu nhập rất tốt, do vậy dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng về tài chính gia đình không bị ảnh hưởng gì.
“Nữ tỷ phú này nói thẳng là hiện gia đình tiền không thiếu. Tuy nhiên, trước khi dịch bệnh có thu nhập khủng nhưng giờ bị giảm đến 80%, trước kia thường xuyên được đi đây đó khắp thế giới, giờ chỉ quanh ở nhà vì thế nên có bị hụt hẫng, dẫn đến chán nản”, TS Hồng Thu cho hay.
Từ những gì bệnh nhân chia sẻ, TS Hồng Thu cho rằng thực chất vấn đề tâm lý của bệnh nhân đã có từ lâu chứ không phải ảnh hưởng từ dịch bệnh, mà dịch bệnh chỉ là yếu tố tác động khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
“Sau khi đánh giá toàn diện mọi vấn đề, tôi chẩn đoán bệnh nhân mắc phải dạng bệnh tâm thần rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Bệnh nhân có những biểu hiện cảm xúc đối lập "hưng cảm - trầm cảm" thay phiên xuất hiện từng giai đoạn khác nhau. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe”, TS Thu cho hay.
Theo TS Thu hiện nay tỷ lệ người mắc trầm cảm đang ngày một tăng.
Không bỏ qua biểu hiện nào từ tâm lý đến hành vi
Ngoài trường hợp trên, TS Hồng Thu tiếp nhận không ít các trường hợp rất nặng do ảnh hưởng từ vấn đề mất việc làm, ảnh hưởng kinh tế dẫn đến lo âu, suy nghĩ, mất ngủ… phải nhập viện trong tình trạng rất nặng.
Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Trung Kiên (42 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng không kiểm soát được hành vi, lời nói. Trước đây, anh Kiên là cai xây dựng, trung bình luôn có hàng chục công nhân làm thuê cho mình. Do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến anh Kiên phải dừng các công trình, công nhân phải về quê “tránh dịch”, cũng kể từ đó bệnh nhân này bắt đầu có biểu hiện về tâm thần ngày càng nặng.
“Bệnh nhân gặp ai cũng lầm bẩm một câu, trong đầu luôn có ám ảnh về ai đó đang hại mình, thậm chí nặng đến mức trước nhà có một chiếc miếu nhỏ và cho rằng chiếc miếu này làm ảnh hưởng đến công việc nên đập phá…”, TS Hồng Thu kể lại trường hợp bệnh nhân Kiên khi nhập viện.
Dịch bệnh ảnh hưởng kinh tế, khiến nhiều người gặp khó khăn trong công việc nên bị áp lực, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần.
Từ các trường hợp trên, TS Thu cho biết rối loạn stress, trầm cảm liên quan đến chuyện tình cảm, quan hệ gia đình, vỡ nợ… có thể khiến bệnh nhân xuất hiện triệu chứng kích độc, la hét, đánh người, nói nhảm… Nếu phát hiện và điều trị kịp thời thì không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhưng nếu phát hiện muộn việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
“Khi có bất kể biểu hiện lo âu, bồn chồn, lo lắng, mất ngủ hoặc một số hành vi không kiểm soát được như la hét, đánh người, nói nhảm cần phải cần được đến khám sàng lọc sức khỏe tâm thần đồng thời với khám các chuyên khoa khác để không để lọt bệnh. Mọi người không nên cố cam chịu, điều này là vô cùng nguy hiểm”, TS Hồng Thu khuyến cáo.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi