Sau thời gian dài ôm điện thoại, cháu H. đã phải nhập viện và được chẩn đoán bị trầm cảm, phải có biện pháp can thiệp ngay lập tức.
Nhập viện vì nghiện điện thoại để xem thần tượng
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết thời gian qua đã có nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra khi trẻ nghiện điện thoại đến mức phải nhập viện.
Đó là trường hợp của cháu N.T.T.H. (15 tuổi) được gia đình đưa vào viện sau nhiều ngày bỏ ăn uống, kết quả học giảm sút và không muốn giao tiếp với mọi người, kể cả người thân trong gia đình.
Người thân cháu H. cho biết, ngoài biểu hiện cách ly với người thân, cáu gắt khi có người góp ý, “người bạn” duy nhất mà H. gần gũi đó là chiếc điện thoại đi động. Mục đích sống thu mình, ôm điện thoại của H. là để vào mạng xã hội.
Tiến sĩ Ngô Anh Vinh đang tiến hành thăm khám cho bệnh nhi tại BV Nhi Trung ương.
Người mẹ chia sẻ trên mạng xã hội cháu H. cũng không tiếp xúc với nhiều người, chỉ suốt ngày xem một trang về thần tượng là ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc.
Theo tiến sĩ Vinh, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã chẩn đoán cháu H. bị trầm cảm do sử dụng mạng xã hội quá mức. Về hướng điều trị, bác sĩ Vinh cho rằng, việc đầu tiên cần làm là cần cách ly nữ sinh này với chiếc điện thoại di động, sau đó dùng các biện pháp trị liệu cho người bệnh.
“Đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ có triệu chứng "nghiện" điện thoại, mạng xã hội phải vào viện điều trị. Thực sự, đây là vấn đề đáng báo động với giới trẻ hiện nay đặc biệt là trẻ vị thành niên”, tiến sĩ Ngô Anh Vinh cảnh báo.
Cần làm gì để tránh việc trẻ bị nghiện thiết bị công nghệ
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng,… quá nhiều sẽ gây ra những rối loạn về tâm lý.
Hiện rất nhiều trẻ đang nghiện điện thoại, nguyên nhân cũng là do phụ huynh buông lỏng quản lý. Ảnh minh họa.
Trẻ có nguy cơ mất ngủ, bỏ ăn, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung, thể lực suy giảm. Trẻ thường cảm thấy căng thẳng, bức xúc và kèm theo tâm trạng lo âu, buồn chán, bi quan, thậm chí nhiều trường hợp suy nghĩ tiêu cực và có ý nghĩ tự tử. Trẻ thường sống thu mình chỉ muốn ở trong phòng với thiết bị internet và không muốn giao tiếp với ai. Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh tâm thần khác như: lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi,…
Nghiên cứu tại ĐH Bang San Diego và ĐH Georgia (Mỹ) cũng chỉ ra rằng, nếu trẻ dùng điện thoại thông minh quá nhiều thì có nguy cơ mắc các rối loạn về tâm thần. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ dành hơn 7 tiếng mỗi ngày tập trung vào màn hình internet có nguy cơ bị lo âu hay trầm cảm cao gấp đôi so với trẻ chỉ sử dụng 1 tiếng.
Tiến sĩ Anh Vinh cho rằng, hiện nay các phương tiện sử dụng công nghệ số đã trở thành phổ biến đặc biệt là sự ra đời của điện thoại thông minh nên việc hạn chế trẻ sử dụng trở nên khó khăn hơn.
Để tránh trẻ nghiện điện thoại, máy tính, cha mẹ trẻ cần biết: - Cần giới hạn thời gian và giám sát trẻ sử dụng điện thoại, máy tính. Quy định cho trẻ lượng thời gian và thời điểm trẻ được sử dụng. Bố mẹ cần kiểm soát được nội dung hoạt động khi trẻ dùng điện thoại, máy tính và yêu cầu trẻ trẻ dùng theo đúng mục đích. - Ngoài ra, bố mẹ nên dành thời gian để tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ thích dùng điện thoại, máy tính để đưa ra các biện pháp điều chỉnh thích hợp. - Khuyến khích trẻ tăng cường tập thể thao để rèn luyện sức khoẻ. Động viên trẻ làm các công việc có ích trong gia đình như dọn nhà cửa, hỗ trợ giúp việc cho bố mẹ,… để hạn chế sự lệ thuộc vào điện thoại, máy tính,.. Ngoài ra, khuyến khích trẻ tích cực các hoạt động nhóm, tập thể, các hoạt động ngoại khoá. - Khi gia đình phát hiện trẻ có dấu hiệu “nghiện” điện thoại, máy tính thì nên đưa trẻ đến cơ sở ý tế kịp thời để hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |
Mời quý vị độc giả đón đọc bài tiếp theo: Bé gái 13 tuổi ra máu "vùng kín" 20 ngày, cảnh báo những biểu hiện kinh nguyệt cần lưu ý vào lúc 6 giờ sáng ngày 12/6 (thứ 4) trên chuyên mục Sức khỏe.