Nhờ vị thơm của mình, lá dứa được sử dụng trong rất nhiều món ăn. Tuy nhiên không chỉ có hương vị thơm mát mà lá dứa còn mang lại rất nhiều tác dụng cho sức khỏe.
Cây lá dứa, hay còn gọi là lá nếp, có tên tiếng anh là Pandan, tên khoa học là Pandanus amaryllifolius, được sử dụng khá nhiều vì có hương vị thơm đặc trưng. Cây lá dứa có những chiếc lá dài từ 30-51 cm, dài nhọn như lưỡi gươm, cả 2 mép lá đều không có gai, có thể có lông tơ mịn trên lá, mọc thành chùm, phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới. Cây lá dứa thường khai thác lá nhưng ở một số giống cũng có quả, trông giống như quả thông. Có khoảng 600 loài cây lá dứa khác nhau và hầu như đều ăn được.
Lá dứa thường được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn tại Nam Á và Đông Nam Á. Gần đây, phương Tây cũng bắt đầu quan tâm tới loại lá này vì những đặc tính ẩm thực và lợi ích sức khỏe của nó.
Thành phần dinh dưỡng trong lá dứa
Trong 100 gram bột lá dứa có chứa:
- Beta carotene: Lá dứa rất giàu beta carotene, tiền thân của vitamin A. Chỉ 100 gram bột lá dứa đã có thể chứa tới 43-80% giá trị hàng ngày. Những giống cây lá dứa có quả màu vàng hoặc cam đậm thường có thành phần beta carotene cao hơn.
- Vitamin A: Đây là loại vitamin rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt cũng như hệ thống miễn dịch.
- Sắt: Lá dứa cũng có hàm lượng sắt cao hơn hẳn các loại rau quả khác. Sắt giúp ngăn ngừa các tình trạng như thiếu máu, hỗ trợ lưu thông máu và oxy.
- Chất xơ: Lá dứa có hàm lượng calo thấp và hàm lượng chất xơ khá cao, giúp duy trì sức khỏe đường ruột, củng cố hệ tiêu hóa, ngoài ra còn có tác dụng hỗ trợ giảm cân.
Lá dứa có tác dụng gì?
1. Giảm đau do viêm khớp
Viêm khớp là căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, đặc trưng bởi sự đau và cứng khớp.
Trong y học truyền thống của Ấn Độ, người ta thường dùng lá dứa ngâm vào dầu dừa, sau đó bôi lên chỗ viêm khớp để giảm cơn đau. Tác dụng này có được là nhờ lá dứa có khả năng chống viêm hiệu quả.
2. Kiểm soát lượng đường trong máu
Lá dứa có khả năng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này rất tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường và một số căn bệnh mãn tính khác.
Một nghiên cứu trên 30 người lớn khỏe mạnh cho thấy việc uống trà nóng từ lá dứa, sau bài kiểm tra đường huyết tiêu chuẩn, cho thấy nhưng người uống trà có lượng đường trong máu tốt hơn so với những người không uống.
3. Tăng cường sức khỏe răng miệng
Lá dứa có mùi vị thơm rất đặc trưng, do đó việc tiêu thụ lá dứa có thể giúp bạn có hơi thở thơm tho, mùi dễ chịu, đánh bật mùi hôi miệng.
Ngoài ra, lá dứa còn có khả năng cầm máu nướu răng. Nếu bị chảy máu nướu răng, có thể dùng lá dứa rịt vào chỗ chảy máu để cầm máu hiệu quả.
4. Giảm căng thẳng, hỗ trợ giảm cân
Uống nước lá dứa hoặc trà lá dứa có tác dụng làm giảm stress, lo âu, căng thẳng và mệt mõi, hỗ trợ hệ thần kinh, tốt cho sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh đó, nhờ hàm lượng chất xơ vào và ít calo, lá dứa còn có tác dụng hỗ trợ giảm cân hiệu quả đối với những người đang theo đuổi chế độ ăn kiêng.
Cách sử dụng lá dứa
Lá dứa có thể dùng ở nhiều dạng như lá dứa tươi, lá dứa khô hoặc bột lá dứa. Lá dứa hầu hết được sử dụng để tạo màu, tạo mùi thơm, giúp món ăn thêm phần hấp dẫn hơn.
Bạn có thể sử dụng lá dứa để nấu chè, gói bánh, tạo màu thực phẩm cho đồ ăn, hấp hoặc chế biến thêm vào món ăn để tăng mùi thơm, làm siro, làm kem, trà lá dứa, nước ép lá dứa...
Ngoài ra, bạn có thể đun nước lá dứa để gội đầu hoặc dùng lá dứa tươi xay nhuyễn, thêm nước rồi ủ tóc, sau đó gội lại với dầu gội. Lá dứa có tác dụng trị gàu, ngăn ngừa rụng tóc, làm mượt tóc và dưỡng tóc vô cùng hiệu quả.
Lưu ý khi sử dụng lá dứa
Lá dứa hầu như không có tác dụng phụ gì hoặc tương tác với loại thuốc nào. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều lá dứa có thể có tác dụng nhuận tràng nhẹ, gây ra tiêu chảy. Do đó, những người bị tiêu chảy hoặc các bệnh về đường ruột không nên sử dụng quá nhiều lá dứa hoặc thực phẩm có thành phần lá dứa.
Nhiều người thường nhầm lẫn lá dứa (lá nếp) với lá của cây dứa ăn quả (khóm dứa). Thực tế, đây là 2 loại thực vật hoàn toàn khác nhau nhưng có tên gọi giống nhau. Lá dứa từ cây dứa ăn quả, hay còn gọi là quả thơm thường dày, cứng, có nhiều răng cưa ở mép lá, 2 mặt đều sẫm màu, lá thường có kích thước to hơn. Trong khi đó, lá dứa (lá nếp) không có răng cưa, lá mỏng và mềm, nhỏ dài, 2 mặt có màu xanh lục, khi vò lá cò mùi thơm dễ chịu. Bạn nên học cách phân biệt 2 loại lá này để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
Nguồn tham khảo: What is Pandan? Benefits, Uses, Taste, and Substitutes - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 20/10/2020. |