Chăm sóc tử cung và buồng trứng không hề khó nhưng chẳng mấy chị em để ý tới, đến khi gặp chuyện mới lo lắng.
Tử cung và buồng trứng là những cơ quan quan trọng của phụ nữ, cần được bảo dưỡng tốt để tránh xa nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa. Thế nhưng, nhiều người không thích tập thể dục kết hợp với việc ngồi ở bàn làm việc cùng một tư thế suốt ngày đã vô tình làm xấu đi quá trình lưu thông máu xung quanh tử cung và buồng trứng.
Để thúc đẩy quá trình lưu thông máu quanh 2 cơ quan này, cách hiệu quả nhất là tập thể dục. Tuy nhiên, tử cung và buồng trứng nằm sâu trong cơ thể nên rất khó để làm ấm hoàn toàn nếu chỉ sử dụng túi chườm nóng, chai nước nóng hoặc đai nịt bụng từ bên ngoài cơ thể. Tập thể dục có thể khiến cơ bắp sinh ra năng lượng nhiệt, khiến cơ thể có cảm giác ấm áp từ trong ra ngoài.
Bác sĩ Wang Leming, bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Wanfang (Đài Loan - Trung Quốc) gợi ý chị em có thể thực hiện một phương pháp bảo dưỡng tử cung và buồng trứng đơn giản, chỉ mất có 1 phút nhưng hiệu quả thu được rất đáng giá đó là kiễng chân.
Bác sĩ Wang Leming gợi ý phương pháp kiễng chân để dưỡng tử cung.
Bác sĩ Wang Leming giải thích lý do bài tập này có lợi cho tử cung và buồng trứng là vì khi đứng kiễng chân (nhón chân), buồng trứng và các cơ quan khác không thể chạm vào trong xương chậu, đồng thời các cơ vùng chậu cũng sẽ phải co bóp, từ đó giúp cải thiện lưu thông máu của tử cung và buồng trứng, giúp đào thải "rác" trong 2 cơ quan này, đồng thời nuôi dưỡng tử cung và buồng trứng.
Bên cạnh đó, khi kiễng chân lên, trọng tâm cơ thể thường không ổn định và phần thân trên có xu hướng lắc lư nên chúng ta thường cố gắng giữ thăng bằng, từ đó rèn luyện các cơ sâu ở trung tâm cơ thể. Sau khi cơ thể được vận động sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn, quá trình trao đổi chất cơ bản cũng sẽ tăng lên. Nếu tiếp tục thực hiện bài tập này, bạn có thể phát triển một cơ thể dễ giảm cân.
Bác sĩ Wang Leming gợi ý bạn có thể tập đứng kiễng chân khi chờ xe buýt, xếp hàng hoặc khi rảnh rỗi. Đầu tiên, đứng thẳng để mông được nâng cao, kiễng chân lên và đứng bằng 2 mũi chân, sau đó hạ chân xuống rồi lặp lại đông tác.
Những tác dụng khác của việc kiễng chân
Thực tế, động tác kiễng chân này không phải hình thức tập luyện mới mẻ mà đó là phương pháp cổ truyền đã có từ xa xưa cách đây 800 năm. Ngoài tác dụng dưỡng tử cung, thực hiện kiễng chân còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
- Cải thiện vóc dáng
Phương pháp kiễng chân được nhiều phụ nữ Nhật áp dụng. HLV thể hình Nhật Bản Chiri Katori từng chia sẻ bản thân đã giảm 24kg trong 3 tháng, đồng thời giảm được 23cm vòng eo và 12cm vòng đùi nhờ kiễng chân, hóp bụng và thở đều.
Động tác kiễng chân tác động vào nhóm cơ bắp chân khá nhiều nên rất hiệu nghiệm đối với các nàng chân to. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ giảm mỡ vùng bụng.
Phụ nữ Nhật đều rất yêu thích cách làm này để giữ dáng lại bảo vệ sức khỏe, ngừa bệnh phụ khoa.
Nữ HLV người Nhật giảm cân, giảm eo thành công nhờ kiễng chân.
- Bảo vệ trái tim
Khi kiễng chân, lượng máu bị ép ra mỗi khi cơ bắp chân hai bên co lại gần tương đương với lượng máu do nhịp tim bơm ra, giúp máu cung cấp đủ oxy cho cơ tim, có lợi cho sức khỏe tim mạch.
- Bổ thận khí
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, có ba kinh mạch từ ngón chân và gót chân đến bắp chân và đùi trong là: Kinh mạch lá lách, kinh mạch gan và kinh mạch thận. Thường xuyên kiễng chân có thể kích thích ba kinh mạch này của bàn chân, từ đó làm ấm và nuôi dưỡng nội tạng.
- Ngừa đau khớp
Khi ngồi, máu lưu thông quanh khớp chậm lại, hoạt động cơ bắp của chi dưới về cơ bản bị đóng lại, tốc độ trao đổi chất giảm 50%. Thường xuyên kiễng chân có thể giúp tăng cường sự ổn định của khớp mắt cá chân, ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch chi dưới, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và đau nhức khớp gối.
- Phòng bệnh trĩ
Nếu kiễng chân kết hợp với co thắt cơ hậu môn còn có thể ngăn ngừa bệnh trĩ phát sinh. Bạn có thể thực hiện bằng cách khi kiễng chân lên thì hít vào và co cơ hậu môn, khi hạ chân xuống thì thở ra và thả lỏng cơ.