Khi mắc đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây hàng loạt biến chứng từ mù mắt, cắt chi cho đến làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung.
Căn bệnh gây biến chứng rất nguy hiểm
Đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm đang có tốc độ gia tăng nhanh chóng, đây là căn bệnh khi đã mắc sẽ phải điều trị suốt đời và càng mắc lâu nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm càng nhiều.
TS.BS Lê Quang Toàn – Trưởng khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết cả đái tháo đường type 1 và type 2 hiện đều chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn, nếu được phát hiện sớm thì sẽ có biện pháp điều trị duy trì, kiểm soát đường máu để bệnh không gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Ngoài việc điều trị duy trì bằng thuốc thì việc kiểm soát chế độ ăn, chế độ tập luyện cũng vô cùng quan trọng, nếu buông lỏng vấn đề này thì bệnh tình sẽ nặng lên nhanh chóng.
Đối với biến chứng của bệnh đái tháo đường, TS Toàn cho biết có rất nhiều loại nhưng biến chứng lở loét bàn chân, thậm chí là phải cắt cụt chân thường rất hay gặp. Ngoài ra, đái tháo đường còn dễ gây biến chứng mù mắt, xơ vữa động mạch, tắc động mạch rất nguy hiểm.
Biến chứng cắt cụt chân rất hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường.
“Ở trẻ nhỏ biến chứng bệnh tiểu đường như lở loét, cắt chân rất ít gặp vì thời gian trẻ mắc bệnh ngắn, thường được phát hiện và điều trị kịp thời. Còn đối với những người trường thành, nếu thời gian mắc bệnh càng lâu thì bệnh càng nặng và nguy cơ biến chứng càng cao và nguy hiểm”, TS Toàn chia sẻ.
Một vấn đề nữa TS Toàn cũng cảnh báo tới mọi người đó là khi mắc đái tháo đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở cả nam và nữ. “Có 2 vấn đề cần phải lưu ý. Thứ nhất là thời gian đái tháo đường và tác động của đường máu dài hay ngắn, có thể phải rất lâu mới gây ung thư. Thứ hai là vấn đề tuổi tác, khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư càng cao đó là điều đã được chứng minh.
Còn đối với trẻ em, thời gian mắc ung thư ngắn, tuổi rất trẻ thì nguy cơ mắc ung thư thấp hơn và tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào trẻ mắc đái tháo đường sau đó mắc ung thư”, TS Toàn nói.
Phòng bệnh từ chính thói quen trong sinh hoạt
Đái tháo đường là căn bệnh mãn tính, nhưng mọi người hoàn toàn có thể phòng ngừa và kể cả khi mắc bệnh nếu biết cách duy trì lối sống khoa học thì hoàn toàn có thể xử lý được bệnh.
Thứ nhất, cần phòng tránh tình trạng thừa cân, béo phì: theo dõi dựa vào chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể). Cách tính: BMI = cân nặng/bình phương chiều cao (trong đó cân nặng tính bằng kg, chiều cao tính bằng mét). Chỉ số này nên giữ trong khoảng 18,5-24,9.
Phòng bệnh đái tháo đường từ chính thói quen hàng ngày. (Ảnh minh họa)
Thứ hai, cần gia tăng hoạt động thể lực thường xuyên, tránh lối sống tĩnh tại, cụ thể: không nên ngồi, nằm xem tivi nhiều giờ liền; tham gia chơi thể thao hơn là xem người khác chơi; cố gắng hạn chế sử dụng các phương tiện hiện đại nếu thấy không cần thiết (đi xe đạp thay cho xe máy, không sử dụng thang máy nếu thấy không cần thiết…); tập thể dục đều đặn 30-45 phút mỗi ngày. Nếu không có đủ thời gian thì cố gắng 3 lần/tuần, mỗi lần 45-60 phút…
Thứ ba, cần xây dựng thói quen ăn uống tốt, dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và gia đình, cụ thể: luôn duy trì bữa ăn gia đình có không khí vui vẻ, ấm cúng; nên tắt tivi trong khi ăn; tránh bỏ bữa, hạn chế ăn quà vặt ngoài bữa chính; giảm lượng thức ăn có nhiều chất béo và đường; ăn nhiều rau, hoa quả khác nhau...
Ngoài ra, những trẻ có tiền sử bố mẹ, ông bà mắc tiểu đường hoặc có mẹ bị tiểu đường thai kỳ, trẻ bị thừa cân, béo phì thì cần đi kiểm tra sức khỏe để sớm phát hiện và điều trị kịp thời.