Đi khám vì lấy vợ 3 năm vẫn chưa có tin vui, anh Dũng khiến bác sĩ ngạc nhiên với “cậu nhỏ” chỉ dài hơn 7cm, còn hai tinh hoàn thì nhỏ như hạt lạc.
Anh Văn Dũng, 35 tuổi, là một công nhân cơ khí ở Việt Trì, Phú Thọ. Mặc dù nhận ra mình có gì đó bất thường từ hồi cấp 3 khi hay bị trêu “mặt nhìn búng ra sữa” trong khi bạn bè đều cao lớn, phổng phao, anh Dũng ngại không dám đi khám. Rụt rè, sợ giao tiếp với người khác giới, tới 4 năm trước, anh may mắn làm quen và nên duyên với một phụ nữ gần 30 tuổi. Dù "chuyện chăn gối" thưa thớt vì anh Dũng ít ham muốn và luôn tự ti về “cậu nhỏ” khiêm tốn, nhưng người vợ không nửa lời ca thán. Tới gần đây, quá sốt ruột vì mãi chưa có con, cả hai mới đưa nhau đến viện.
Khi khám cho anh Dũng, bác sĩ phát hiện “cậu nhỏ” của anh chỉ dài hơn 7cm, hai tinh hoàn nhỏ như hạt lạc, xét nghiệm cho thấy, trong tinh dịch không có tinh trùng, lượng nội tiết tố nam rất thấp. Anh được chỉ định dùng liệu pháp hormone thay thế theo phác đồ mới để sớm tăng cơ hội có con. Sau vài tuần điều trị, anh cảm thấy ham muốn và khả năng tình dục tăng lên, vợ vui vẻ hẳn.
Lúc cưới anh Dũng thấp hơn vợ 2cm nhưng hiện giờ anh đã cao hơn vợ 2cm. Ảnh: BS cung cấp.
Sau một năm tuân thủ phác đồ, “cậu nhỏ” của anh Dũng dài thêm 4cm, hai tinh hoàn to gấp đôi, chiều cao cơ thể cũng tăng 4cm. Lúc cưới, anh chỉ cao 1m51, phải đi giày độn cho khỏi thấp hơn vợ. Hiện tại, anh đã cao hơn vợ 2cm, dáng người trông chững chạc hơn. Quan trọng nhất là anh đã tự sản xuất được “con giống”. Vì sốt ruột muốn có con sớm, vợ chồng anh quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm luôn và may mắn đã thành công ngay từ lần đầu, sinh đôi một trai một gái khỏe mạnh.
Theo thầy thuốc ưu tú, PGS.TS.BS. Trịnh Thế Sơn, tổng thư ký Hội Hỗ trợ sinh sản Hà Nội, anh Dũng là một trong số ít bệnh nhân không thể dậy thì do suy tuyến yên - y học gọi là chứng suy sinh dục trung tâm (suy tuyến sinh dục do suy tuyến yên). Đây là bệnh lý khiến cơ quan sinh dục (dương vật, tinh hoàn) không phát triển được do thiếu các hormone hướng sinh dục từ tuyến yên. Điều đáng nói là phần lớn bệnh nhân ngại đi khám, cho tới khi gặp các trục trặc về sinh hoạt tình dục hay khả năng sinh sản mới tìm đến bác sĩ. Việc điều trị muộn chứng bệnh này thường khó khăn và hiệu quả thấp. Như bệnh nhân 35 tuổi điều trị có kết quả khả quan là khá hiếm.
Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS.BS. Trịnh Thế Sơn, Tổng thư ký hội Hỗ trợ sinh sản Hà Nội, trưởng nhóm nghiên cứu về đánh giá hiệu quả của liệu pháp mới trong việc điều trị suy sinh dục nam.
Cũng theo PGS.TS.BS. Trịnh Thế Sơn, hiện nay, biện pháp điều trị suy sinh dục trung tâm vẫn là bổ sung hormone hướng sinh dục. Phương pháp dùng phối hợp thuốc uống và tiêm hCG đơn giản hơn so với việc dùng 2 thuốc tiêm (FSH & hCG) ngay từ ban đầu, giảm bớt ⅔ chi phí, trong khi vẫn giúp bệnh nhân phát triển các đặc điểm nam tính, thúc đẩy và bảo tồn khả năng sinh sản, đồng thời còn có thể tăng chiều cao trong một số trường hợp.
Đây cũng là kết quả từ nghiên cứu vừa được công bố giữa tháng 6 trên Tạp chí Y khoa quốc tế của nhóm các chuyên gia nam khoa Việt Nam, do PGS. TS Trịnh Thế Sơn dẫn đầu.
Trong nghiên cứu này, 19 bệnh nhân (trên 18 tuổi và chưa dậy thì do suy sinh dục) được điều trị tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội bằng liệu pháp sử dụng hormone hCG kết hợp với clomiphene citrate. Kết quả, tất cả bệnh nhân đều dậy thì thành công (xuất hiện các đặc tính sinh dục phụ, phát triển kích thước dương vật, thể tích tinh hoàn và đặc biệt có người còn tăng chiều cao khi đã 37 tuổi). Trong số này, có 50% trường hợp xuất hiện tinh trùng trong tinh dịch và không ai gặp tác dụng phụ.
Một trong các bệnh nhân gần đây nhất được áp dụng phương pháp trị liệu của nhóm nghiên cứu là Phong, nam sinh viên sinh năm 1999.
Gia đình cho biết, tới lớp 7, trong khi các bạn đều lớn nhanh, cao vọt thì Phong vẫn thấp bé. Phong được gia đình đưa đi khám và điều trị tăng chiều cao liên tục trong một năm nhưng không đạt kết quả mong đợi, chỉ tăng 3-4cm/năm. Từ đó cho tới khi học hết cấp 3, gia đình vẫn thường xuyên đưa Phong đi khám nhiều nơi nhưng tình hình không cải thiện.
Năm 2018, khi vào đại học, Phong và gia đình đã chấp nhận sự thật rằng cậu sẽ mãi mãi trong hình hài học sinh tiểu học. Phong được “thửa” riêng một chiếc xe máy mini tự chế để chủ động đi lại. Tuy nhiên, không chỉ có thân hình thấp bé, “cậu nhỏ” của Phong cũng chẳng lớn khiến bố mẹ lo lắng cho tương lai của con nên đưa đến gặp bác sĩ nam khoa.
Phong (hình trái) năm 2018, với chiều cao 1m28, phải đi chiếc xe máy mini tự chế. Hiện tại (hình phải) Phong đã cao thêm 14cm và đi được xe máy bình thường. Ảnh: BS cung cấp.
Kể về ấn tượng lần đầu khám cho thanh niên này giữa năm 2019, bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trông Phong lúc đó như một cậu bé lớp 3 với chiều cao 1,28m, da dẻ nhẵn mịn, “của quý” nhỏ xíu và hoàn toàn chưa có dấu hiệu dậy thì. Bác sĩ đã cho Phong điều trị bổ sung hormone. Sau nửa năm, Phong bắt đầu dậy thì, xét nghiệm tinh dịch đã có tinh trùng. Quá trình điều trị tiếp tục tới nay. Hiện Phong cao thêm 14cm và khả năng chiều cao sẽ tiếp tục tăng lên nhưng với tốc độ chậm hơn, có thể tối đa 6-7 cm nữa.
Với việc dậy thì thành công, cơ thể cao lớn hơn, Phong bây giờ đã bỏ chiếc xe mini tự chế trước đây để chuyển sang đi xe máy Vision. Cậu thổ lộ với bác sĩ rằng vẫn chưa thực sự làm “chuyện ấy” với bạn gái nhưng đã biết tới cảm giác thăng hoa bằng cách tự kích thích.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, với chứng không dậy thì hay suy sinh dục trung tâm, để việc điều trị đạt hiệu quả cao, người bệnh cần được phát hiện sớm và trị liệu kịp thời.
Thông thường, nam giới dậy thì khi khoảng 14-15 tuổi, với một số dấu hiệu như chiều cao phát triển nhanh, mọc lông ở vùng sinh dục, nách, bắt đầu xuất tinh (có thể trong lúc ngủ, gọi là mộng tinh). Quá trình dậy thì thường hoàn thiện lúc 17-18 tuổi - thể hiện ở ham muốn cao, bộ phận sinh dục phát triển hoàn toàn. Nếu sau thời điểm này thấy không xảy ra theo quy luật này thì nên đi khám.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi