33 tuổi nhưng anh Định có dáng người như bé trai đang học tiểu học. Dù vậy, anh không biết lý do cho đến khi đi khám hiếm muộn vì nhiều năm cưới vợ không có con.
33 tuổi nhưng gương mặt như trẻ em
Anh Phan Quang Định (33 tuổi, ở Tây Ninh) có chiều cao 1m50, có sức khỏe bình thường nên không đi khám bệnh bao giờ.
Đầu năm 2011, anh Định kết hôn với chị Thu (32 tuổi) cùng quê. Sau đám cưới, hai vợ chồng rất mong con, nhưng mãi không có tin vui. Năm 2023, vợ chồng anh đi khám hiếm muộn, với mong muốn sẽ sinh được con nhưng đã thất bại.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ đang khám cho anh Định. Ảnh: BVCC.
Cuối năm 2023, anh Định cùng vợ đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khám hiếm muộn một lần nữa. Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ là người trực tiếp khám cho vợ chồng anh.
Bác sĩ cho biết, ngoài chiều cao khiêm tốn, anh Định còn có gương mặt non nớt, không có dấu hiệu dậy thì, không mọc râu và phát triển cơ bắp. Kích thước tinh hoàn chỉ 3-4 ml (trong khi kích thước trung bình bộ phận này của nam giới châu Á khoảng 12-15 ml), dương vật cũng nhỏ. Kết quả xét nghiệm các nội tiết sinh dục đều rất thấp.
Ban đầu, anh Định được chẩn đoán không có tinh trùng, suy sinh dục thứ phát (gonadotropin) do tuyến yên hoặc vùng dưới đồi không sản xuất đủ lượng các hormone cần thiết để thúc đẩy tuyến sinh dục trưởng thành và duy trì hoạt động của tuyến sinh dục ổn định sau dậy thì.
Gần 2 năm điều trị hiếm muộn mới phát hiện khối u ở não
Ban đầu, anh Định được điều trị bằng liệu pháp bổ sung gonadotropin trong 6 tháng nhưng không đáp ứng. Sau đó, anh được chỉ định thực hiện khảo sát toàn diện tất cả những chức năng nội tiết về tuyến giáp, hormone tăng trưởng chiều cao Growth (GH), kiểm tra cortisol (hormone ở vỏ thượng thận). Các kết quả ghi nhận chỉ số rất thấp. Anh Định được chẩn đoán suy tuyến yên toàn bộ.
Khối u vùng sọ hầu là nguyên nhân khiến anh Định 33 tuổi vẫn chưa dậy thì. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Vỹ, kết quả chụp MRI ghi nhận anh Định có một khối u vùng sọ hầu khoảng 2cm xâm lấn, ảnh hưởng lên toàn bộ tuyến yên. Đây là căn nguyên gây chèn ép mô, thiếu hụt tuyến yên, không thể sản xuất các hormone dẫn đến suy tuyến yên, thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao và các hormone sinh dục… dẫn đến tình trạng suy sinh dục của anh Định.
Anh Định sau đó được phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u. Kết quả sinh thiết giải phẫu khối u cho kết quả lành tính. Vì vậy, anh được bổ sung các hormone tuyến giáp và cortisol cũng như được điều trị lại liệu pháp gonadotropin.
“Người bệnh đáp ứng tốt các phương pháp điều trị, dần phát triển cơ bắp, có các biểu hiện dậy thì, tinh hoàn phát triển tăng kích thước, tăng phát triển lông ở vùng kín, hiện tượng cương sinh lý cũng thường xuyên hơn”, bác sĩ Vỹ chia sẻ.
Cuối tháng 4, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của anh Định đã ghi nhận những tinh binh đầu tiên sau gần hai năm kiên trì chữa trị.
"Lúc đọc kết quả xét nghiệm, cả tôi và người bệnh đều xúc động”, bác sĩ Vỹ chia sẻ. Dự kiến, trong vài tháng tới, anh Định sẽ bắt đầu thu mẫu tinh trùng để thực hiện thụ tinh ống nghiệm giúp sớm có con.
Căn bệnh khiến nam giới trưởng thành có ngoại hình như em bé
Theo bác sĩ Vỹ, suy sinh dục thứ phát ở nam giới là bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ chỉ khoảng 1-5% trong các nguyên nhân gây vô sinh nam. Bệnh có thể do bẩm sinh hay do có các bất thường ở tuyến yên như trường hợp của anh Định hoặc vùng dưới đồi không sản xuất đủ các hormone cần thiết.
Nam giới có bất thường về vùng kín nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa.
PGS.TS Trịnh Thế Sơn, Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y, cho biết, suy sinh dục thứ phát là bệnh lý của nhiều nguyên nhân cần điều trị thường xuyên, liên tục suốt đời. Mục đích điều trị nhằm và cần nhắm tới hai đích, đó là làm cho cơ thể những nam giới này phát dục hoàn toàn (ở nam giới đang mong con đồng nghĩa là phải kích hoạt quá trình sinh tinh) và duy trì được việc sản xuất tinh trùng đến khi có đủ con cũng như duy trì được các đặc tính nam tính cho người mắc.
Để điều trị suy sinh dục thứ phát, có thể sử dụng hormone nam testosterone từ bên ngoài cơ thể (testosterone ngoại sinh) hoặc tăng cường sản xuất hormone testosterone bên trong cơ thể (testosterone nội sinh) bằng sử dụng các thuốc nội tiết của tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.
Bác sĩ Vỹ cũng cho rằng, trong điều trị vô sinh nam, suy sinh dục thứ phát là tình trạng duy nhất có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) để có tinh trùng trở lại. Tuy nhiên, người mắc cần khám toàn diện, chẩn đoán đúng và điều trị từ căn nguyên. Nếu bệnh nhân có khối u tuyến yên hoặc khối u sọ hầu chèn ép như trường hợp của anh Định cần phẫu thuật và kết hợp các liệu pháp điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, nam giới khi có những bất thường trong quá trình dậy thì, không có biểu hiện dậy thì, bộ phận sinh dục nhỏ, rối loạn cương… nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.