Khi được chế biến đúng cách, khoai tây là một thành phần lành mạnh trong chế độ ăn uống cân bằng.
Lợi ích của củ khoai tây đối với sức khỏe
Tốt cho não bộ: Axit alpha lipoic, một loại đồng enzyme có trong khoai tây có thể giúp tăng cường sức khỏe nhận thức. Đồng thời, loại axit này cũng có tác dụng hữu ích đối với bệnh nhân Alzheimer. Một số vitamin và khoáng chất có trong khoai tây ảnh hưởng tích cực đến chức năng của não (bao gồm kẽm, phốt pho và B complex). Vitamin B6 đặc biệt quan trọng để duy trì sức khỏe thần kinh.
Thúc đẩy tiêu hóa: Hàm lượng chất xơ cao trong khoai tây giúp tiêu hóa trơn tru hơn. Chất xơ kích thích nhu động ruột để tránh táo bón, đồng thời cũng giúp điều trị bệnh tiêu chảy do trong khoai tây có chứa nhiều kali.
Giúp ngủ ngon: Tryptophan, được tìm thấy tự nhiên trong khoai tây, là một loại thuốc an thần tự nhiên giúp đảm bảo giấc ngủ ngon. Ngoài ra, kali trong khoai tây hoạt động như một chất giãn cơ, giúp cho cơ thể bạn cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn.
Tốt cho xương: Chuyên gia dinh dưỡng Shilpa Arora cho rằng, nhờ giàu canxi và phốt pho, khoai tây giúp xương chắc khỏe. Sắt, canxi, magiê, phốt pho và kẽm có trong khoai tây đều góp phần vào việc xây dựng và duy trì cấu trúc và sức mạnh của xương. Kẽm và sắt trong củ khoai tây cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen - thành phần chính của da và xương.
Ngăn ngừa lão hóa: Chuyên gia hàng đầu về da và tóc ở Delhi (Ấn Độ) - Tiến sĩ Deepali Bhardwaj cho biết: "Là một bác sĩ da liễu, tôi khuyên mọi người nên sử dụng nước ép khoai tây dưới mắt. Nó có đặc tính làm săn chắc da và có thể làm giảm lão hóa sớm và nếp nhăn. Vì vùng da dưới mắt của chúng ta mỏng, nó có xu hướng nhăn nheo nhanh hơn, nước ép khoai tây có thể là một vị cứu tinh".
Ăn khoai tây thường xuyên tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Những lưu ý quan trọng khi ăn khoai tây
Khoai tây có chỉ số đường huyết cao có thể gây ra sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu và đẩy mạnh sản xuất insulin. Chính vì thế những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều khoai tây.
Ăn nhiều khoai tây có thể sinh ra các triệu chứng như kích ứng da, tiêu chảy, khó tiêu, đau đầu… Bạn nên thận trọng xem mình có bị dị ứng với loại củ này hay không.
Bà bầu cần tránh ăn nhiều khoai tây, vì khoai tây dễ gây đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến thể trạng bà mẹ và thai nhi.
Trước khi dùng khoai tây để điều chế thành thuốc chữa bệnh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ Đông y để tránh tác dụng phụ.
Không nên thêm các loại dầu không tốt cho sức khỏe, bơ, kem, pho mát và hương liệu nhân tạo với lượng lớn.
Để nướng khoai tây, hãy sử dụng loại dầu tốt cho sức khỏe như dầu ô liu và nêm với các loại thảo mộc tươi hoặc khô. Tránh chỉ sử dụng muối.
Tránh ăn khoai tây chiên, khoai tây đã qua chế biến kỹ và khoai tây đậm gia vị. Tốt nhất nên tiêu thụ khoai tây ở mức vừa phải. Một củ khoai tây trung bình chứa 164 calo và 30% lượng B6 được khuyến nghị hàng ngày. Theo một nghiên cứu gần đây, phụ nữ không nên ăn chúng quá ba lần một tuần; nếu không, chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
Khi được chế biến đúng cách, khoai tây là một thành phần lành mạnh trong chế độ ăn uống cân bằng. Thế nhưng các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến nghị chế độ ăn nhiều khoai tây. Bởi gần như cơ thể không thể hấp thụ được tất cả 20 loại axit amin thiết yếu và 30 loại vitamin và khoáng chất từ một loại thực phẩm. Vì vậy chỉ tiêu thụ ở mức vừa phải, và hãy nhớ rằng sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn nếu bạn không ăn gì ngoài khoai tây.