Phương pháp nấu trứng được một bà mẹ chia sẻ trên TikTok đã thu hút hơn 12 triệu lượt xem. Tuy nhiên, các bác sĩ lại cho biết cách làm này có thể gây rủi ro.
Đối với một số gia đình, nhất là nhà nào có con biếng ăn, thật khó để đảm bảo cho trẻ ăn một chế độ cân bằng, đủ dưỡng chất. Vì vậy, nhiều cha mẹ tìm cách sáng tạo để khiến bữa ăn hấp dẫn hơn giúp trẻ hứng thú với ăn uống. Tuy nhiên, nếu bạn thích học theo những cách sáng tạo nấu nướng trên mạng xã hội, hãy thận trọng.
Ngày 17/6, bà mẹ Alexandra Bewicke đã đăng tải trên TikTok video hướng dẫn phương pháp nấu trứng độc đáo được con gái cô rất yêu thích. Video đã thu hút hơn 12 triệu lượt xem.
Trong video, Alexandra chia sẻ cô thường cho trứng sống vào ngăn đá tủ lạnh để chúng đông cứng lại. Sau đó cô sẽ lấy ra, đập vỡ trứng và cắt thành từng lát rồi đem rán. Cách làm này giúp tạo ra những quả trứng mini giúp con gái cô thích ăn trứng hơn.
Video hướng dẫn cách nấu món trứng kiểu mới thu hút hơn 12 triệu lượt xem.
Những quả trứng nhỏ của Alexandra dù trông rất dễ thương nhưng các chuyên gia an toàn thực phẩm cho rằng đây có thể là một phương pháp nấu trứng mang lại rủi ro.
Trứng là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất gây ngộ độc thực phẩm, và một số chuyên gia chỉ ra rằng công thức chế biến trứng mini này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo, không nên đông lạnh trứng sống khi vẫn còn trong vỏ. Trang tin y tế Healthline giải thích: khi trứng sống nguyên vỏ được đông lạnh, chúng có thể nở ra và khiến vỏ bị vỡ, tạo điều kiện cho vi khuẩn như Salmonella xâm nhập vào bên trong. Vi khuẩn Salmonella (vi khuẩn thương hàn) khi vào trong cơ thể sẽ giải phóng ra nội độc tố. Tại ruột, nội độc tố sẽ làm tổn thương ruột (kích thích ruột gây đau bụng, làm chảy máu, hoặc có thể gây thủng ruột). Nội độc tố đi vào máu đến hệ thần kinh trung ương có thể làm tổn thương thần kinh và nhiễm độc toàn thân.
Ngoài ra, Sarah Krieger, một chuyên gia dinh dưỡng nói với tờ Fox News rằng điều quan trọng là phải đảm bảo trứng được nấu chín kỹ. Krieger cho biết mọi người khi nấu ăn tại nhà nên kiểm tra nhiệt độ để đảm bảo lòng đỏ được nấu chín ở khoảng 150 độ C trước khi ăn. Với những quả trứng đã đông cứng sẽ khó chín hơn một quả trứng sống.
Các chuyên gia cảnh báo việc đông lạnh trứng sống khi vẫn còn vỏ sẽ khiến vỏ trứng nứt ra, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập. (Ảnh minh họa)
Những sai lầm khi ăn trứng có thể hại sức khỏe
Ăn trứng chín để qua đêm
Nhiều người vì tiếc nên vẫn ăn lại trứng thừa từ hôm trước. Tuy nhiên, trứng luộc chín để qua đêm sẽ mất đi dinh dưỡng và thậm chí có thể sản sinh ra vi khuẩn. Bởi khi luộc trứng, protein đã bị phá hỏng, lại để qua đêm nên giá trị dinh dưỡng sẽ giảm rất nhiều.
Luộc trứng quá lâu
Nhiều người sợ ăn trứng bị sống nên cố gắng đun nấu thật lâu để diệt hết vi khuẩn nhưng đây cũng là cách làm sai lầm. Đun nấu trứng quá lâu sẽ khiến lòng đỏ trứng và protein của các ion sắt kết hợp tạo ra ion lưu huỳnh không hòa tan của các sunfua sắt khiến cơ thể khó hấp thụ.
Ăn trứng sống
Nhiều người có sở thích ăn trứng sống vì cho rằng nó bổ hơn và ngon hơn. Tuy nhiên, ăn trứng sống mang lại những mối đe dọa nguy hại cho sức khỏe.
Trong trứng sống có chứa vi khuẩn Salmonella. Một khi cơ thể đã bị nhiễm Salmonnella sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, co thắt dạ dày, nôn mửa, sốt, mất nước....
Chỉ ăn lòng đỏ, không ăn lòng trắng
Thực tế, hàm lượng protein có trong lòng đỏ nhiều hơn trong lòng trắng trứng một chút. Tuy nhiên, trong một quả trứng, tỉ lệ lòng trắng lại nhiều hơn lòng đỏ nên nhìn chung lượng protein bằng nhau.
Điều khác biệt là trong lòng đỏ chứa một lượng lớn khoáng chất như phốt pho, sắt, canxi, vitamin như A, D, E, K và vitamin B, trong khi lòng trắng hầu như không có các chất này. Tuy nhiên, lòng trắng trứng phù hợp với người bệnh về tim mạch vì không chứa cholesterol như lòng đỏ.
Hâm nóng lại trứng
Trứng hâm chín lại vừa mất protein vừa trở nên độc hại và gây ra các vấn đề tiêu hóa nếu được hâm lại. Đặc biệt bạn không nên hâm nóng trứng luộc và trứng ốp lết.
Ăn trứng khi đói bụng
Khi bụng đang đói, nếu dung nạp quá nhiều những thực phẩm chứa hàm lượng protein cao như trứng, sữa, thịt… thì protein sẽ bị “áp bức” chuyển hóa thành nhiệt năng và tiêu hao mất, từ đó không thể phát huy tác dụng bồi bổ dinh dưỡng cho cơ thể.