Mẹ đơn thân chịu 40 cơn co giật/ngày suốt 25 năm vì mắc căn bệnh dễ nhầm với tâm thần

Ngày 11/06/2019 12:30 PM (GMT+7)

Suốt 25 năm T. phải sống trong sự đau đớn, tự ti thậm chí cô còn bị chính người chồng của mình ruồng bỏ vì nghĩ mắc bệnh tâm thần.

Đó là trường hợp của chị T.N.T (29 tuổi, TP HCM), bị mắc bệnh động kinh đã 25 năm nay. Điều đáng nói trong suốt 25 năm đó chị T. phải chịu rất nhiều cơn co giật trong 1 ngày, có thời gian cơn co giật lên đến con số khủng khiếp 40 lần/ngày.

Mẹ chị T. chia sẻ, năm lên 4 tuổi chị T. bắt đầu phát bệnh động kinh, kể từ đó trở đi hai mẹ con đi hết trong Nam, ngoài Bắc từ các bệnh viện đến cả các cơ sở chữa bệnh gia truyền nhưng tất cả đều bó tay.

Khi đến tuổi trưởng thành, chị T. lấy chồng rồi sinh một cô con gái. Sau thời gian chung sống, chồng chị cũng bỏ đi để lại 2 mẹ con bơ vơ cùng người mẹ già đã hết sức lao động. “Chồng tôi nghĩ tôi bị tâm thần nên đã bỏ mẹ con tôi đi”, chị T. chia sẻ.

Kể từ khi chồng bỏ đi, mẹ chị T. là người duy nhất ở bên cạnh vừa chăm cô con gái bị bệnh động kinh, vừa chăm cháu ngoại tuổi còn quá nhỏ.

Mẹ đơn thân chịu 40 cơn co giật/ngày suốt 25 năm vì mắc căn bệnh dễ nhầm với tâm thần - 1

Chị T. đã trở lại cuộc sống bình thường sau ca phẫu thuật.

Cho đến tháng 8 năm 2018, chị T. cùng mẹ đã ra Bệnh viện Việt Đức để đăng ký khám và phẫu thuật chữa bệnh động kinh. Khi đó, chị T. được hội chẩn bởi Hội đồng động kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Hội đồng động kinh Saint Anne (Pháp).

Sau khi hội chẩn các bác sĩ chẩn đoán chị bị động kinh kháng thuốc, loạn sản vỏ thùy trán. Khi đã thống nhất, các bác sỹ đã quyết định phẫu thuật cắt tổn thương. Hiện tại, sau phẫu thuật chị T. không còn cơn giật, không còn biến chứng, không còn trầm cảm và tự tin hòa nhập với cuộc sống. Được biết, để trở thành ứng viên phẫu thuật động kinh chị T. phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc, chỉ định của bác sĩ.

BS Trần Đình Văn - Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, để có thể trở thành ứng viên cho cuộc phẫu thuật trên, bệnh nhân T. phải đảm bảo ít nhất 2 trong 3 điều kiện: Lâm sàng phải phù hợp với điện não đồ; Hình ảnh cộng hưởng từ phải tìm thấy tổn thương (chỉ định được chụp ở những trung tâm phẫu thuật thần kinh lớn, theo protocol chuẩn quốc tế).

Cùng đó, bệnh nhân phải điều trị theo thuốc chống động kinh phù hợp ít nhất trong 2 năm, được đánh giá test tâm lý thần kinh trước mổ, hội chẩn và quyết định phương án phẫu thuật.

Mẹ đơn thân chịu 40 cơn co giật/ngày suốt 25 năm vì mắc căn bệnh dễ nhầm với tâm thần - 2

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân bị động kinh.

Khi đánh giá bệnh nhân phù hợp để mổ, các bác sỹ đã tiến hành sử dụng kính vi phẫu, hệ thống định vị, phẫu thuật nội soi, có những trường hợp phải sử dụng điện não. Phẫu thuật để khu trú vùng sinh động kinh.

Với tỷ lệ thành công của động kinh tổn thương vùng sinh động kinh: xơ hóa hải mã, loạn sản vỏ, u não bậc thấp, tỷ lệ khỏi 75-85%. Với các thể động kinh khác như động kinh mất trường lực, tỷ lệ phẫu thuật thành công 50-60% (giảm cơn động kinh).

Cũng theo các bác sĩ, ngoài phương pháp phẫu thuật cắt tổn thương, Bệnh viện Việt Đức còn chuẩn bị áp dụng các phương pháp khác như: kích thích dây X, phẫu thuật kích thích não sâu... Đây là những tiến bộ y học được bệnh viện ngoại khoa hàng đầu Việt Nam này nghiên cứu ứng dụng.

Cảnh báo từ chuyên gia: Trẻ nhiễm sán lợn có thể biểu hiện động kinh, ngã vật ra đường
Khi trẻ bị sán lợn tấn công lên não có thể gây co giật, động kinh thậm chí ngã vật ra đường khi đang đi xe hoặc di chuyển.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác