Một bé gái 8 tuổi bị đau đầu, lên cơn co giật, động kinh vì não bộ bị nhiễm 100 trứng sán dây.
Bé gái giấu tên đến từ New Delhi, Ấn Độ ban đầu được điều trị bằng thuốc steroid do nghi ngờ có u nang trong não. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng thuốc, bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ngược lại, cân nặng của cô bé bỗng tăng bất thường, từ 40kg lên 60kg. Ngoài ra còn bị khó thở và không đi lại được.
Sau 6 tháng chữa trị mà không có chuyển biến, cha mẹ cô bé rất lo lắng nên đã đưa cô đến Bệnh viện Fortis ở Gurgaon. Sau khi chụp chiếu và kiểm tra kỹ lượng, các bác sĩ rất bất ngờ khi phát hiện có đến trăm quả trứng sán dây đang "yên vị" trong não của cô bé. Đó chính là nguyên nhân khiến em có dấu hiệu bị loạn thần kinh và co giật.
Praveen Gupta, giám đốc thần kinh tại Bệnh viện Fortis, cho biết: “Việc chụp cắt lớp não của cô bé đã thấy hơn 100 chấm trắng hình thành do trứng của sán dây. Nguyên nhân là do ăn phải thực phẩm có chứa trứng sán.
Khi trứng xâm nhập vào não bộ qua hệ thần kinh sẽ gây ra chứng loạn thần kinh, dấu hiệu dễ thấy là những cơn đau đầu dữ dội, co giật và tâm lý bất ổn. Có thể nhiều người không biết, nhưng hiện tượng trứng sán dây phá hoại não bộ cũng rất phổ biến. Việc ký sinh trùng xâm nhập là do ăn rau, thịt chưa nấu chín hoặc ăn trái cây chưa rửa."
Sau khi trải qua quá trình dùng thuốc giảm phù nề và tiêu diệt sán dậy, tình trạng của cô bé đang dần phục hồi.
Cha của cô bé cũng chia sẻ: “Chúng tôi không thể nghĩ đứa con gái khỏe mạnh, hoạt bát của mình lại mắc căn bệnh đáng sợ như vậy. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy may mắn khi đã kịp thời điều trị trước khi những quả trứng nở ra và có thể gây tổn thương nhiều hơn.”
Bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não (NEUROCYSTICERCOSIS)
Nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở hệ thần kinh trung ương là bệnh ký sinh trùng phổ biến nhất của hệ thần kinh và là nguyên nhân chính của bệnh động kinh ở các nước đang phát triển.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã công nhận sự tấn công phá hoại hệ thần kinh trung ương có tác nhân chính của sán dây.
Loại sán này hình thành từ trứng sán có trong những loại thực phẩm như thịt lợn hoặc rau củ khi chưa được chế biến và rửa sạch trước khi sử dụng.
Người có thể bị nhiễm ấu trùng sán dây thông qua tiếp xúc phân – miệng với người lành mang trùng (tên khoa học là Taenia solium). Điều này cho thấy sự hiện diện của người lành mang trùng trong môi trường lân cận (ví dụ, hộ gia đình) hoặc tình cờ nuốt phải thức ăn bị ô nhiễm.
Để phòng ngừa việc nhiễm bệnh, mọi người đặc biệt chú ý rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn; thực hiện ăn chín uống sôi.
Biểu hiện khi nhiễm sán dây
Não là vị trí hay gặp nhất của ấu trùng sán lợn: 60 - 90%, mắt chiếm tỷ lệ: 1 - 3% các trường hợp bệnh. Triệu chứng hay gặp: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, giảm trí nhớ; nặng hơn có thể rối loạn tâm thần, liệt mặt, liệt tứ chi, nói ngọng, mờ mắt, viêm màng não mạn tính, sút cân, động kinh … và có thể dẫn đến tử vong.