Chủ quan nghĩ rằng cắt bỏ tuyến giáp là khỏi bệnh hoàn toàn, sau 5 năm chị Hằng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Nguy kịch vì chủ quan sau khi cắt tuyến giáp
Suy giáp là một trong số những bệnh lý tuyến giáp thường gặp nhất với tỷ lệ phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Việt Hà – Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết suy giáp có nhiều nguyên nhân như do viêm giáp tự miễn, người từng phẫu thuật tuyến giáp hoặc phẫu thuật cắt một bên tuyến giáp...
Tuy nhiên, không ít người lại có quan điểm sai lầm hoặc nhận thức chưa đầy đủ về bệnh suy giáp khiến bệnh ngày càng trầm trọng. “Nhiều người nghĩ rằng khi bị các bệnh lý tuyến giáp chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là sẽ khỏi bệnh và không điều trị bằng hóc môn. Đó là quan điểm rất sai lầm và cực nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh”, bác sĩ Hà cảnh báo.
Bác sĩ Hà cảnh báo đã có trường hợp cấp cứu vì chủ quan sau khi phẫu thuật tuyến giáp.
Lấy ví dụ một ca bệnh điển hình, bác sĩ Hà chia sẻ đó là một người phụ nữ tên Hằng (khoảng 30 tuổi, đã có gia đình, ở Hà Nội) mắc bệnh suy giáp và được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Sau khi mổ, bệnh nhân nghĩ rằng cắt bỏ tuyến giáp là khỏi bệnh, không thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ nên bệnh tình càng nặng hơn, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
“Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp khoảng 5 năm, sức khỏe bệnh nhân kiệt quệ, giọng khàn, giảm ham muốn tình dục... Khi nhập viện vào khoa cấp cứu, các bác sĩ tiến hành khám, làm xét nghiệm phát hiện bệnh nhân bị suy giáp nghiêm trọng gây tràn dịch đa màng, khiến da mỏng bất thường, các mao mạch dưới da trắng bệnh, bệnh nhân rất sợ lạnh. Khi đã được chẩn đoán bệnh, bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng phải mất một thời gian rất lâu mới có thể hồi phục”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Một trường hợp còn rất trẻ mắc bệnh lý tuyến giáp đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Điều cần lưu ý sau khi đã cắt bỏ tuyến giáp
Từ trường hợp trên, bác sĩ Hà cảnh báo đối với những trường hợp mắc các bệnh lý và phải cắt bỏ bộ tuyến giáp thì phải uống hóc môn suốt quãng đời còn lại. Còn đối với trường cắt một bên tuyến giáp, nếu bên còn lại vẫn tiết đủ hóc môn thì không cần uống bổ sung. Nhưng trường hợp này cần phải theo dõi thường xuyên, nếu phát hiện lượng hóc môn tiết ra không đủ thì cần phải uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
“Với trường hợp bù đủ hóc môn thì sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Còn nếu không được bù đủ sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như tim mạch, huyết áp, mỡ máu, ham muốn tình dục, da nhăn nheo...”, bác sĩ Hà cảnh báo.
Trường hợp u tuyến giáp lành tính hoàn toàn có thể điều trị mà không cần phẫu thuật.
Qua thực tế thăm khám, bác sĩ Hà gặp rất nhiều vấn đề bất cập, khi đa số người bệnh khi phát hiện bệnh lý tuyến giáp đặc biệt là u giáp lành tính, dù khối u nhỏ nhưng vẫn yêu cầu được cắt tuyến giáp. Dù bác sĩ giải thích nhưng người bệnh vẫn cho rằng khi cắt bỏ khối u là khỏi bệnh hoàn toàn và vẫn cương quyết cắt bỏ.
“Tôi phải khẳng định rằng, cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp người bệnh sẽ phải uống hóc môn suốt đời, nếu không sẽ bị suy giáp nghiêm trọng. Bởi vậy, với những u giáp lành tính không gây ảnh hưởng thẩm mỹ, không gây nuốt nghẹn, nuốt vướng thì nên theo dõi định kỳ 3 đến 6 tháng/lần.
Còn đối với u giáp lồi to, gây khó thở nuốt nghẹn, nuốt vướng cũng không nhất thiết phải cắt bỏ, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp điều trị khác như đốt bằng sóng cao tần để vừa không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, vừa không phải điều trị hóc môn suốt đời”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Đối với bệnh suy giáp, khi người bệnh thấy xuất hiện các biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, tóc khô rụng, sợ lạnh, táo bón, giảm ham muốn tình dục, hay nhớ nhớ quên quên... thì cần đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh.
Các biện pháp phòng bệnh lý tuyến giáp: - Có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả để tăng cường hóc môn tuyến giáp. - Bổ sung đầy đủ i ốt cho cơ thể, qua muối ăn hàng ngày hoặc các loại thực phẩm... Tuy nhiên chỉ sử dụng vừa đủ không thừa không thiếu. Với người trưởng thành là 150mg, còn phụ nữ có thai là 200mg. - Tập luyện để tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật nói chung và bệnh lý tuyến giáp nói riêng. - Không hút thuốc lá. - Khám sức khỏe định kỳ. |
Mời quý độc giả đón đọc bài sau: "Nỗi lo của nhiều mẹ Việt: Mắc bệnh tuyến giáp có được sinh con và con con bú?" trong tuyến bài Hiểu đúng về bệnh tuyến giáp vào lúc 8h sáng ngày 5/9 trên chuyên mục Sức khỏe.