Sau khi thấy con có khối to bất thường ở cổ, chậm tăng trưởng chiều cao, đi khám mẹ rất bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán bị suy tuyến giáp.
Ngoài những trường hợp người trưởng thành mắc các bệnh lý tuyến giáp, bác sĩ Lê Thị Việt Hà – Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) hiện đang theo dõi và điều trị cho không ít bệnh nhi mắc bệnh suy giáp, viêm giáp...
Bác sĩ Hà cho biết, đa số trẻ nhỏ khi mắc các bệnh lý tuyến giáp đều đi khám khi các biểu hiện đã trở nên rõ rệt hoặc mắc bệnh một thời gian dài do bố mẹ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Điển hình như nhiều trẻ mắc bệnh viêm giáp cấp nhưng bố mẹ lại cho đi khám tai mũi họng, hoặc nghĩ đến các bệnh lý về đường hô hấp.
Nhiều trẻ mắc bệnh lý tuyến giáp nhưng phụ huynh hay nhầm lẫn sang những bệnh khác.
Điển hình như trường hợp của bé Đ.T.H. (14 tuổi, ở Hà Nội) được chẩn đoán mắc bệnh suy giáp và đã điều trị được 6 năm nay. Theo chia sẻ của bác sĩ Hà, bé H. trước đây có biểu hiện cổ to bất thường, dù gia đình chăm sóc tốt nhưng không phát triển chiều cao... Quá lo lắng gia đình đưa đến nhiều bệnh viện tuyến trung ương khám nhưng không ra bệnh.
Khi đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương, qua thăm khám và làm các xét nghiệm bác sĩ Hà chẩn đoán bé H. bị suy giáp do viêm giáp tự miễn. “Khi đến viện tôi cho xét nghiệm hóc môn tự do (FT3, FT4) nhưng kết quả cho thấy bình thường. Tuy nhiên, hóc môn kích thích tuyến giáp lại rất cao. Tiếp tục chọc tế bào tuyến giáp thì phát hiện cháu bị suy giáp do viêm giáp tự miễn”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Đến nay sau 6 năm điều trị, bé H. đã hết suy giáp, viêm giáp tự miễn cũng đã ổn định. Đặc biệt, chiều cao của cháu H. đã cải thiện khi cao thêm được gần 30cm. “Dù mọi chỉ số ổn định, nhưng bệnh nhân này vẫn phải theo dõi định kỳ để kịp thời can thiệp nếu có những dấu hiệu bất thường. Nếu bố mẹ chủ quan bệnh dễ tái phát và việc điều trị sẽ gặp không ít khó khăn”, bác sĩ Hà cảnh báo.
Bác sĩ Hà cho rằng trẻ không phát hiện bệnh tuyến giáp kịp thời sẽ không phát triển được chiều cao do thiếu hóc môn.
Liên quan đến bệnh suy giáp ở trẻ nhỏ, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Hân Hoan - Trưởng khoa Xét nghiệm Di truyền Y học (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ) cho biết có những trẻ sinh ra đã bị suy giáp bẩm sinh, khiến quá trình tăng trưởng, phát triển thể chất và tâm thần sẽ bị đình trệ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh, bình thường.
Biểu hiện của trẻ suy giáp bẩm sinh ở giai đoạn sơ sinh (0 - 1 tháng) thường xuất hiện tình trạng vàng da sơ sinh kéo dài (lâu hơn 2 tuần); chậm thải phân su và sau này táo bón kéo dài; màu da thường xám chì, tái; ngủ rất nhiều, không linh hoạt với tiếng động; bú kém, chậm lên cân, tay chân lạnh...
Ở giai đoạn sau sơ sinh và trẻ nhỏ, thường có biểu hiện chậm phát triển thể chất: chậm biết đi, chậm lên cân; chiều cao phát triển kém; tóc ngắn, thưa, khô, giòn, dễ gãy, răng mọc chậm; chậm phát triển sinh lý; chậm xuất hiện các dấu hiệu của tuổi dậy thì; chậm phát triển tâm thần: không linh hoạt và học kém, tiếp thu chậm.
Các chuyên gia nhấn mạnh, khi thấy trẻ xuất hiện những biểu hiện trên, phụ huynh cần đưa con đi khám chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Các biện pháp phòng bệnh lý tuyến giáp: - Có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả để tăng cường hóc môn tuyến giáp. - Bổ sung đầy đủ i ốt cho cơ thể, qua muối ăn hàng ngày hoặc các loại thực phẩm... Tuy nhiên chỉ sử dụng vừa đủ không thừa không thiếu. Với người trưởng thành là 150mg, còn phụ nữ có thai là 200mg. - Tập luyện để tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật nói chung và bệnh lý tuyến giáp nói riêng. - Không hút thuốc lá. - Khám sức khỏe định kỳ. |
Mời quý độc giả đón đọc bài sau: Mẹ trẻ cấp cứu trong tình trạng da mỏng manh, trắng bệch vì chủ quan sau điều trị suy giáp trong tuyến bài Hiểu đúng về bệnh tuyến giáp vào lúc 8h sáng ngày 3/9 trên chuyên mục Sức khỏe.