Mẹo trị ho không cần thuốc

Ngày 28/09/2017 08:49 AM (GMT+7)

Chuyển mùa làm nhiều người bị ho, cảm lạnh, chữa không đúng sẽ chuyển nặng, có thể viêm phế quản, viêm phổi rất nguy hiểm, nhất là với trẻ em.

Trị nhiều chứng ho với gừng

Theo lương y quốc gia Anh Đào (nguyên bác sĩ Viện Y học cổ truyền Quân đội, thời tiết chuyển mùa rất dễ bị ho với các loại ho liên tục, ho khan, không đờm, ho dai dẳng… gây đau rát họng, rất mệt mỏi, khó chịu.

Nếu ho xảy ra về đêm, gần sáng còn khó ngủ, mệt mỏi, mất sức - nhất là trẻ em và người có cơ địa dễ bị kích ứng khi thay đổi của thời tiết, do lạnh… Thời điểm này hay gặp là chứng ho do nhiễm khuẩn đường hô hấp, sau khi bị cảm lạnh, cảm cúm… Nếu không chữa ho kịp thời sẽ dẫn đến viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai… còn có nguy cơ mắc bệnh ung thư họng.

Các lương y hướng dẫn trị ho khan, ho gió, ho có đờm, ho do thời tiết, ho lâu ngày, ho do khói thuốc… làm ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là đường hô hấp rất đơn giản, hiệu quả.

Lưu ý khi dùng thảo dược trị ho là cần dùng mật ong rừng nguyên chất, các loại gừng, chanh đào, tỏi… cần là loại của Việt Nam mới có tác dụng làm dịu những cơn ho tốt.

Những cách chữa ho bằng thảo dược cần kiên nhẫn, bệnh sẽ khỏi từ từ, không cắt cơn ngay như thuốc Tây y.

Đứng đầu bảng trị ho là gừng-có tính kháng khuẩn, chống viêm mạnh.

Cách 1: Gừng-mật ong:

50g mật ong, 100 gừng tươi giã nhuyễn, 500ml nước. Đun sôi 15 phút, lọc bỏ bã. Cho mật ong vào nước gừng quấy đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê cho tới khi hết ho.

Cách 2: Gừng và củ cải trắng:

10 miếng gừng tươi, 3 củ cải trắng rửa sạch, xay lấy nước uống ngày 2-3 lần, mỗi lần khoảng 50ml, sau khoảng 3-4 ngày cơn ho sẽ giảm dần.

Cách 3: Chanh, gừng, mật ong:

Gừng, bóc vỏ ép lấy nước, pha thêm 200ml nước sôi để nguội. Thêm 1 thìa mật ong, 1 lát chanh mỏng, khuấy đều và uống hàng ngày trước khi ngủ và sau khi ăn sẽ giảm ho dần.

Ngoài ra còn có thể dùng các cách:

- 8g gừng tươi,15g tía tô, 20g hành, rau cải nấu với canh thịt – có tác dụng giải cảm, trị ho hiệu quả.

- Gừng già tươi 60g, rửa sạch xay (giã) nhuyễn. Mật ong 30g, ½ lít nước, đun 30 phút rồi chắt lấy nước uống. Uống 1 ly (50ml), ngày 2 lần.

- Gừng tươi 2 củ, rửa sạch, giã nhuyễn hòa với 200ml nước. Lọc bỏ bã gừng, rồi đập một quả trứng gà ta, chút đường trắng vào và khuấy đều rồi đun lên còn một nửa cốc uống hàng ngày tới khi hết ho.

- Cho gừng, tỏi vào ngâm dấm 1 tháng. Mỗi khi bị cảm hoặc ho gừng, tỏi ra ngậm gừng, tỏi sau đó nuốt sẽ hết.

Một số thảo dược trị ho có đờm đơn giản

Tùy vùng mà lựa chọn thảo dược dễ kiếm tìm để chữa trị chứng ho.

Nghệ: 1 thìa bột nghệ pha cùng nước nóng, chia ra uống 2-3 lần trong ngày (có thể thêm ít muối cho dễ uống. Sau 2 ngày sẽ hiệu quả).

Tỏi ta: Đập giập 5 - 6 tép tỏi, đổ mật ong ngập tỏi, hấp lên (chưng cách thủy tới có mùi tỏi là được), để nguội. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê.

Với trẻ em dùng bài lấy 2-3 tép tỏi đập giập, thêm 1 thìa đường, ½ bát nước. Hấp cách thủy 15 phút, cho trẻ ăn khi ấm 2-3 lần/ngày sẽ giảm ho, 1 tuần sẽ dứt hẳn.

Quất - mật ong: Trị ho khan kéo dài, không gây kích ứng.

- 20g quất chín, hạt chanh và hoa hồng bạch. Thêm mật ong, đường phèn bỏ vào nồi cơm hấp cách thủy. Sau 25 phút lấy ra giã nhuyễn lấy nước uống.

- 1kg quất rửa sạch, bổ đôi (hay để nguyên quả), cho vào bình/lọ. Đổ vào 500g đường trắng, đậy kín nắp. 1 tuần sau lấy nước ngậm hằng ngày sẽ giảm ho có đờm nhanh.

Chanh đào - mật ong:

Chanh đào rửa sạch, thái lát, trộn đường phèn, đổ vào bình với mật ong, bịt kín miệng bình. Ngâm 2 tháng là dùng được. Khi bị ho mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê (ngậm trong họng một lúc), sẽ giảm ho nhanh.

Chanh đào ngâm mật ong, chữa ho khan, ho mãn tính hiệu quả rõ rệt.

Lá húng chanh: 2-3 lá húng chanh tươi, rửa sạch, cắt nhỏ, hấp với đường phèn (hoặc mật ong). Trẻ em thì uống nước cốt (hoặc ăn cả bã) hàng ngày, vừa giảm cơn ho, vừa phòng ho.

Bà bầu dùng lá húng chanh tươi xay nhuyễn, lọc lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 50ml để trị ho cũng rất tốt. Có thể cho vài giọt nước cốt chanh, đường cho dễ uống.

Uống lá húng chanh tươi tốt hơn là hấp mật ong, đường phèn.

Đường phèn pha với dấm: ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê tới khi hết ho – trị ho lâu ngày rất hiệu quả.

Vỏ cam rửa sạch, ngâm với nước muối loãng, đem nướng trên bếp, ăn khi còn nóng. Nếu ho nặng có thể ăn 2-3 vỏ cam nướng sẽ ấm cổ, tốt họng, tiêu đờm, dứt cơn ho đêm.

Chữa ho bằng huyệt Dũng tuyền

Khi bị ho do bị lạnh, hay cảm lạnh, cúm, sốt, dị ứng thời tiết, hay ho lâu không khỏi… có thể xoa bóp, bấm huyệt Dũng tuyền (còn gọi là Địa cù, Quyết tâm, Địa xung...) - đại huyệt rất quan trọng dưới gan bàn chân để tiêu chứng ho dai dẳng.

Lương y Lộc Thị Quốc (Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn) gọi chữa ho bằng huyệt Dũng tuyền là “phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả kỳ diệu”. Theo đó khi bị ho cần day bấm huyệt Dũng tuyền 15 phút/chân, làm 3 lượt sẽ khỏi đến 80%. Nhưng không nên day nhiều vì sẽ dẫn đến hiệu quả ngược. Ho nhiều thì buổi trưa làm 1 lần, buổi tối làm 1 lần trước khi đi ngủ (chú ý là xoa bóp huyệt Dũng tuyền không hiệu quả với trẻ em). Có 2 cách xác định huyệt Dũng tuyền như sau:

- Co bàn chân và các ngón chân lại, chỗ lõm xuất hiện ngay ở 1/3 trước gan bàn chân.

- Lấy khoảng cách từ ngón chân thứ 2 (ngón chân trỏ) tới gót chân chia làm 5 phần, thì huyệt Dũng tuyền chính là điểm lõm nằm cách ngón chân trỏ 2/5 khoảng cách đó (tức là cách gót 3/5).

Theo Uyển Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe