Một nghiên cứu lớn từ Pháp chỉ ra nguyên nhân giật mình làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 ngay cả khi bạn ăn một chiếc kẹo cao su.
Các nhà khoa học từ Đại học Sorbonne Paris Nord, Đại học Thành phố Paris và một số viện nghiên cứu khác từ Pháp chỉ ra một loạt chất nhũ hóa phụ gia thực phẩm có thể là nguyên nhân khiến một số món ăn dường như làm tăng mạnh nguy cơ tiểu đường type 2.
Chất nhũ hóa được sử dụng đa dạng trong công nghiệp thực phẩm để góp phần tạo nên kết cấu, hương vị... có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường - Ảnh: AI
Theo bài công bố trên tạp chí y học The Lancet Diabetes & Endocrinology, các tác giả cho biết họ đã phân tích dữ liệu của hơn 104.000 người, được thu thập từ năm 2009 đến năm 2023, độ tuổi trung bình là 42,7.
Họ được thu thập dữ liệu chi tiết về nhân khẩu học, tình trạng sức khỏe và chế độ ăn.
Tổng cộng có 1.056 trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2 trong thời gian theo dõi trung bình là 6,8 năm.
Họ phát hiện ra một loại chất nhũ hóa thông dụng được dùng trong công nghiệp thực phẩm liên quan đến nguy cơ tiểu đường tăng cao đáng kể như carrageenans gum, xanthan gum, tripotassium phosphate, este axit tiacetyl tartaric của mono và diglyceride, axit béo diglycerides, sodium citrate, guar gum và gum arabic.
Trong đó, các chất nhũ hóa nhóm carrageenan - một chất ổn định có nguồn gốc từ rong biển đỏ - làm tăng nguy cơ lớn nhất, với mức tăng thêm 3% cho mỗi 100 mg.
Chất nhũ hóa là thứ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra kết cấu, hương vị và thời hạn sử dụng mong muốn cho nhiều loại thực phẩm như bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp, bánh mì, sốt salad, các sản phẩm kem sữa...
Nói cách khác, khi ăn những món này quá nhiều, bạn không chỉ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 vì hàm lượng đường cao trong một số món, mà còn vì phụ gia trong chúng.
Ngay cả những món tưởng chừng không liên quan như một chiếc kẹo cao su vẫn có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường.
Giảm tiêu thụ bánh kẹo và các thực phẩm chế biến sẵn giúp giảm nguy cơ. Tuy nhiên, theo các tác giả, mặc dù có nhiều chất nhũ hóa được coi là an toàn dựa trên mức tiêu thụ hàng ngày (ADI) chấp nhận được, kết quả trên cho thấy vẫn cần có sự sửa đổi.
Theo đó, cần có sự xem xét lại quy định quản lý việc sử dụng chất nhũ hóa trong các sản phẩm thực phẩm, bao gồm xem xét mức tiêu thụ rộng rãi của chúng và tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng.