Chạy nước rút vào nhà vệ sinh khi là chuyện thường tình những lúc bàng quang bạn căng đầy.
Tuy nhiên, nếu bạn cứ vật vã trong toilet hàng chục lần trong ngày, đây có thể là dấu hiệu bệnh tật. Có phải bạn đang đi tiểu quá nhiều lần? Dưới đây là câu trả lời.
Bao nhiêu là quá nhiều?
Nếu bạn đi tiểu nhiều hơn 7 lần mỗi ngày, có thể sức khỏe bạn đang có vấn đề, Phó giáo sư – bác sĩ Benjamin Brucker từ Trung tâm Y tế Langone, New York (Mỹ) cho hay. Vị bác sĩ này cho biết thêm thậm chí nếu không tới con số này, bạn vẫn nên đi khám bác sĩ nếu tần suất đi vệ sinh thay đổi bất thường.
Ngoài ra, đi tiểu 2-3 lần mỗi đêm cũng là điều đáng lưu ý, vì thông thường, hầu hết mọi người có thể ngủ qua đêm mà không cần đi toilet.
Nguyên nhân, tác hại của đi tiểu nhiều
Khi bàng quang đầy nước tiểu, các tín hiệu thần kinh được phát lên não bộ, yêu cầu cơ thể xả thải. Tuy nhiên, nếu bàng quang bạn có vấn đề (hoạt động quá mức), những tín hiệu này sẽ được phát ra ngay cả khi lượng nước tiểu ở mức thấp.
Ngoài việc gây phiền phức vì ra vào nhà vệ sinh thường xuyên, đi tiểu nhiều có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cụ thể làm khiến bạn bị trầm cảm hoặc mất ngủ.
Thủ phạm có thể khiến bạn đi tiểu nhiều gồm: Tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu và phì đại tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, viêm niệu đạo có thể ngăn cản dòng chảy, làm bàng quang không thể đẩy hết nước ra ngoài gây đi tiểu nhiều.
Đi tiểu nhiều còn có thể xuất phát từ những ca phẫu thuật trước đó, sau một tai nạn hoặc mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục… Những trường hợp này thường kèm dấu hiệu đau đớn, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn hại thận.
Uống nước gì đi tiểu nhiều?
Uống nước quá nhiều là nguyên nhân khiến bạn đi tiểu thường xuyên, đặc biệt những loại nước lợi tiểu chứa caffeine như trà, cà phê, bia rượu… Uống nhiều những loại nước này quá muộn vào buổi tối có thể khiến bạn thức giấc và đi tiểu đêm. Muốn có giấc ngủ sâu, chúng ta nên cố gắng tránh các loại đồ uống này khoảng 4 giờ trước khi lên giường.
Ngoài ra, các chuyên gia cho hay cảm giác lo lắng, bất an cũng khiến con người muốn đi vệ sinh nhiều hơn. Cách khắc phục điều này là tập trung vào điều gì khác hoặc tập hít thở sâu, đều đặn.
Khi nào cần đến bác sĩ?
Nếu thường xuyên bị đi tiểu nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng công việc, sinh hoạt, bạn hãy đến bác sĩ. Cũng cần thăm khám ngay nếu đi tiểu đau buốt hoặc có máu lẫn trong nước tiểu. Cả hai triệu chứng có thể là dấu hiệu của chứng nhiễm trùng đường tiết liệu, thậm chí trầm trọng hơn là ung thư bàng quang.
Bác sĩ sẽ khuyên gì?
Sau khi khám, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ghi lại thói quen ăn uống, đi vệ sinh, giúp loại trừ những trường hợp liên quan lối sống như uống quá nhiều caffeine.
Trước khi chẩn đoán bệnh về bàng quang, các bác sĩ có thể siêu âm, xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân bắt nguồn từ các bộ phận khác như sỏi thận.
Thuốc điều trị có thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, thông thường các bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng do vi khuẩn. Nếu bị chẩn đoán bàng quang hoạt động quá mức, bạn nên áp dụng thêm bài tập khung xương chậu như Kegels.
Trong một số trường hợp, botox có thể được dùng để điều trị, giữ sự ổn định bàng quang, giảm đi tiểu nhiều.