Một người đàn ông ở Đài Loan đã sử dụng tai nghe Airpods khi ngủ. Sau khi tỉnh dậy, anh không thể tìm thấy nó, nhưng đến khi phát hiện ra sự thật anh vội vã tới bệnh viện.
Ngày 23/4, một nam thanh niên ở Đài Loan đã đeo tai nghe Airpods (một loại tai nghe không dây) trong khi ngủ. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, anh không thấy tai nghe trên tai và cũng không thấy ở chỗ ngủ. Sau đó, người đàn ông đã sử dụng chức năng Find My Airpods và bất ngờ nghe thấy âm thanh lạ trong bụng của mình.
Sợ hãi, anh lập tức tới bệnh viện, các bác sĩ sau khi kiểm tra xác định quả thực chiếc tai nghe đang nằm trong bụng của anh. May mắn khi chiếc Airpods sau đó đã theo phân được thải ra bên ngoài, không có dấu hiệu pin bị rò rỉ nên người đàn ông không cần phải phẫu thuật.
Nam thanh niên đã nuốt phải chiếc tai nghe không dây vào bụng trong khi ngủ.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, nam thanh niên cho biết sau khi tìm lại chiếc Airpods trong chất thải và rửa sạch, nó hoàn toàn có thể sử dụng bình thường. Anh cũng cho biết đã bị bạn bè và các nhân viên y tế trêu chọc: “Bạn đói hay sao? Hay bạn đang mơ ăn thứ gì đó?"
Một người bạn của nam thanh niên thậm chí còn quay lại video tìm kiếm chiếc Airpods trong chất thải và đăng tải lên mạng với trích dẫn: Anh chàng này đã ngủ quên và nuốt tai nghe vào bụng. Đoạn video ngay lập tức làm “dậy sóng” cư dân mạng. Sau sự việc này người đàn ông cho biết sẽ không bao giờ dám đeo tai nghe khi ngủ nữa.
Các bác sĩ cũng cảnh báo việc nuốt phải dị vật có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Một vật lạ nếu bị tắc nghẽn trong cơ thể một thời gian dài mà không được điều trị có thể sẽ gây nhiễm trùng, ví dụ như viêm phổi sặc tái phát. Tình trạng này có thể để lại hậu quả là đau ngực, ho có đờm và khò khè. Đôi khi, sốt cũng sẽ đi kèm với các triệu chứng trên.
Đặc biệt nếu dị vật nhọn sắc còn có thể đâm vào thực quản hoặc ruột. Những viên pin nhỏ, như pin đồng hồ đeo tay khi phân hủy, sẽ gây ra các tổn thương mô.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị hóc, nuốt dị vật vì chúng chưa có đủ nhận thức, tò mò về thế giới xung quanh nên dễ đưa mọi thứ vào miệng. Nếu bạn nghi ngờ con mình đã nuốt phải vật lạ, hãy đưa trẻ đi gặp bác sỹ ngay để chụp X-quang, soi phế quản dò tìm ra vị trí vật lạ. Bạn cũng có thể sẽ phải cung cấp cho bác sỹ danh sách các triệu chứng khiến bạn nghi ngờ là trẻ đã nuốt phải vật lạ.
Nếu nạn nhân không thể thở do đường thở bị tắc nghẽn, thì sẽ cần phải điều trị cấp cứu. Vật lạ có thể sẽ được loại bỏ ra khỏi đường thở bằng việc thổi ngạt…
Nếu nạn nhân không hóc vật lạ mà có thể đã nuốt vật đó, bác sĩ có thể sẽ quyết định đợi cơ thể tự đào thải vật đó một cách bình thường không, sau đó mới quyết định hướng điều trị. Trong thời gian chờ cơ thể tự loại bỏ vật lạ, bạn cần theo dõi các triệu chứng, như nôn mửa, sốt hoặc đau, đồng thời cũng nên theo dõi phân để xem xem liệu vật đó đã được loại bỏ ra ngoài hay chưa.
Bác sĩ sẽ điều trị ngay lập tức nếu vật lạ gây ra đau đớn hoặc gây tổn thương thực quản hoặc ruột. Khi này có thể sẽ cần phải phẫu thuật mở hoặc mổ nội soi để loại bỏ vật lạ ra ngoài mà không gây tổn thương ruột hoặc thực quản.