Hiện tại, Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), đáng ngại, 50% bệnh nhân không được phát hiện sớm.
Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe, giảm béo góp phần phòng, chống tiểu đường. Ảnh: Tạ Tôn.
Mượn đơn thuốc, kiêng khem quá mức hay sử dụng thực phẩm không hợp lý… là những ngộ nhận tai hại mà nhiều bệnh nhân tiểu đường tự hại mình.
Nhập viện vì dùng đơn thuốc điều trị của bạn
Đến giờ, bà Nguyễn Thị Hoan (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn còn hoảng hồn vì đợt cấp cứu của chồng bà, ông Hoàng Văn Long hồi đầu tháng 11 vừa qua. Ông Long phát hiện mắc tiểu đường type 2 đã một năm nay. Thời gian đầu ông uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ đều đặn, đường huyết được duy trì ổn định. Tuy nhiên, khoảng hai tháng nay, mặc dù nếp sinh hoạt không mấy thay đổi nhưng ông thấy chỉ số đường huyết tăng cao. Nhân có ông bạn thân đến chơi chia sẻ về đơn thuốc dùng hiệu quả, ông quyết định thử dùng theo mà không tìm đến bác sĩ để khám lại. Hậu quả, việc tùy tiện dùng đơn thuốc của bạn mà ông Long hứng chịu là đường huyết của ông giảm mạnh khiến ông xỉu dần phải nhập viện cấp cứu. “Bác sĩ bảo, may mà đến viện kịp, chứ để hạ đường huyết sâu thì thậm chí còn gây tổn thương não”, bà Hoan cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường (ĐTĐ), BV Bạch Mai cho biết: “Việc “mượn” đơn thuốc của người khác để điều trị bệnh ĐTĐ của mình là điều tuyệt đối không nên làm. Bởi, cơ thể mỗi người khác nhau về giới tính, lứa tuổi, thời gian bị bệnh ĐTĐ hay cả các biến chứng và các bệnh lý đi kèm”.
Theo cảnh báo của BS. Vân, không chỉ vấn đề “mượn” đơn thuốc mà sai lầm thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ là người bệnh hiểu không đúng về thuốc điều trị của mình. Nhiều người hễ nghe ai nói về thuốc hay thì lập tức mua về trị bệnh dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trên thực tế, điều trị bệnh ĐTĐ là vấn đề rất phức tạp, ngay như việc dùng thuốc nếu không đủ liều lượng sẽ không kiểm soát được đường máu. Ngược lại, nếu thuốc quá liều với người bệnh ĐTĐ dễ dẫn đến hạ đường huyết, nếu không phát hiện kịp thời dễ gây ra các di chứng, thậm chí gây tổn thương não không hồi phục.
Càng ăn kiêng, đường huyết càng cao(?)
Mới phát hiện mắc ĐTĐ, bà Trần Mai Lan (Hoài Đức, Hà Nội) lo lắng vô cùng. Ngoài thuốc uống, bà còn lên kế hoạch ăn kiêng rất kỹ để đối phó bệnh tật. Nghe mấy người bạn cũng có bệnh tình giống mình mách “bí quyết” khẩu phần ăn giúp giảm đường huyết “giảm cơm, tránh đường, tăng khoai sọ, miến dong”, bà Lan áp dụng triệt để. Thay vì mỗi bữa hai bát cơm như thường lệ, bà chuyển hẳn sang chỉ còn một bữa cơm, hai bữa miến và thêm hai bữa phụ ăn khoai sọ luộc. Thế nhưng, duy trì liên tục cả tháng, đo định kỳ đường huyết của bà vẫn ở mức cao 15ml/mol. Còn với ông Nguyễn Bình Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) thì tuyệt đối nói không với đường và các loại hoa quả. “Đường chính là nguyên nhân gây nên tiểu đường đấy”, ông Minh tự nhủ.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Ths. BS. Nguyễn Huy Cường, Phòng khám nội tiết Thái Hà cho biết, ông gặp rất nhiều bệnh nhân tiểu đường hiểu sai rằng ăn đường gây ra tiểu đường. Hơn nữa, nhiều người bệnh vẫn tin rằng ăn khoai sọ, khoai tây, miến dong có thể giúp giảm đường huyết. “Sự ngộ nhận này khiến nhiều bệnh nhân từ chối các thức ăn khác và chỉ ăn những món này nhưng đường huyết vẫn tăng cao. Nếu chủ quan cũng sẽ rất nguy hiểm”, BS. Cường cho biết.
Theo phân tích của BS. Cường, khi ăn đường từ quả chín, sữa, sẽ có ít đường glucose hơn so với ăn cơm, khoai sọ hoặc miến dong. Để cân đối bữa ăn của bệnh nhân, khi ăn bất kể thứ gì trong bữa ăn, các nhà khoa học đều tính đến khối lượng các chất carbonhydrat. Ví dụ, nếu muốn ăn thêm 10g mật ong chẳng hạn, hãy bớt đi lượng đường trong quả ngọt tương đương với một quả chuối nhỏ hoặc 1/3 bát cơm. “Bệnh nhân tiểu đường hoàn toàn có thể được thưởng thức vị ngọt của đồ ăn thức uống. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên lạm dụng ăn nhiều đường vì đường không phải là thực phẩm có nhiều chất bổ dưỡng, chúng cung cấp năng lượng nhưng thiếu đi vitamin, khoáng chất và chất xơ”, BS. Cường khuyến cáo.
Mọi người cần tránh các yếu tố nguy cơ dễ gây bệnh ĐTĐ như béo phì (đặc biệt là béo bụng), chế độ ăn quá nhiều, ít vận động, stress…. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, đáng ngại 50% bệnh nhân không được phát hiện sớm, đã gây hậu quả nghiêm trọng, bệnh nhân đã có các biến chứng nặng nề về tim mạch, hoại tử chân, suy thận hay mù lòa”. PGS. TS. Nguyễn Khoa Diệu Vân (Trưởng khoa Nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai) |