Khi bị đau răng, nhiều người thường truyền tai nhau phải kiêng ăn thịt gà vì sẽ khiến tình trạng đau nhức trầm trọng thêm. Không những thế, một số người cho rằng, đối với trường hợp bị đau nhức xương khớp, bị bệnh gút thì nên “gạch sổ” thịt gà ra khỏi thực đơn hàng ngày. Thực hư việc này ra sao?
Răng đau ê ẩm vì... miếng thịt gà (?!)
Khuôn mặt phờ phạc sau một đêm mất ngủ vì bị chiếc răng sưng tấy “hành hạ”, anh Nguyễn Viết Toàn (ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh vốn bị viêm lợi, nhức chiếc răng hàm dưới từ nhiều ngày trước. Sau khi uống thuốc và bôi trực tiếp lên phần viêm, chiếc răng đau đã có phần “êm” hơn. Thế nhưng, tình trạng đau nhức ê ẩm lại tái phát chỉ vì trong bữa cơm tối trước đó, anh có “lỡ” ăn vài miếng thịt gà.
Anh Toàn thở dài: “Tất cả chỉ vì mấy miếng thịt gà. Nếu không vì chúng, tôi cũng không bị đau đến nông nỗi này. Từ lần sau, nếu có bị đau răng, tôi nhất quyết “cạch” món này, không dám ăn nữa”.
Theo các chuyên gia, đau răng, đau nhức xương vẫn có thể ăn được thịt gà. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc: “Tại sao ăn thịt gà lại gây tái phát đau răng?”, anh Toàn cũng không lý giải được một cách rõ ràng. Theo lời anh Toàn, không chỉ riêng anh mà rất nhiều người anh biết cũng đã phải “gạch sổ” món thịt gà yêu thích khi răng lợi có vấn đề.
Lý giải về việc nhiều người thường kiêng ăn thịt gà khi bị đau răng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nguyên nhân của việc kiêng cữ này rất đơn giản, đó là khi ăn thịt gà thường gây ra tình trạng bị mắc răng. Những thớ thịt bị mắc lại ở răng sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển, tấn công răng, nhất là những vùng răng đang bị đau hoặc bị viêm nhiễm phần lợi khiến tình trạng đau răng càng trầm trọng thêm.
Do đó, về bản chất, các thành phần có trong thịt gà không gây đau răng mà nguyên nhân là do việc vệ sinh răng miệng sau khi ăn thịt gà chưa đảm bảo dẫn đến việc các vi khuẩn xâm nhập vào vùng bị đau và gây sưng tấy.
Mặt khác, theo các chuyên gia về răng miệng, có nhiều nguyên nhân gây nhức răng như sâu răng, viêm nướu, viêm tủy răng… Vì vậy, khi bị nhức răng cần kiêng ăn gì cũng phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây đau nhức là do đâu, tránh việc kiêng khem quá mức không cần thiết. Chẳng hạn, bị đau răng vẫn có thể ăn thịt gà nhưng nên chọn ăn miếng thịt mềm, tránh phần xương cứng khiến răng phải hoạt động nhiều, làm răng bị đau.
Bên cạnh đó, sau mỗi bữa ăn, phải đảm bảo phần răng bị đau hoặc bị viêm nhiễm được vệ sinh sạch sẽ như đánh răng hoặc có thể sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ “triệt để” những phần thức ăn thừa, nhất là những thớ thịt còn giắt lại trong các khe răng, đồng thời kết hợp súc miệng bằng nước muối sinh lý để hạn chế việc viêm nhiễm có thể xảy ra.
Trẻ bị ho vẫn có thể cho ăn thịt gà, nhưng nên bỏ da
Theo Lương y Nguyễn Thị Hường (nhà thuốc Đông y gia truyền Hà Nội), thịt gà chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe người dùng. Trong thịt gà chứa nhiều loại vitamin B (B1, B2, B3, B5, B6, B12) cùng các khoáng chất như sắt, đồng, phốt pho, lưu huỳnh và nhiều loại axit amin khác, trong đó, một số chất có tác dụng rất tốt cho người bị gút như hàm lượng Selenium có trong thịt gà đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển hóa của các cơ quan bài tiết như thận, gan. Chất này có tác dụng ngăn chặn sự kết tủa của acid uric, làm giảm nồng độ acid uric trong máu. Bên cạnh đó, phốt pho là một khoáng chất rất cần thiết, nó không chỉ hỗ trợ răng và xương phát triển bền chắc mà còn giúp tăng khả năng bài tiết của gan và thận.
Do vậy, trái ngược với suy nghĩ từ bỏ, kiêng cữ các loại thịt của nhiều bệnh nhân gút thì thịt gà là loại thịt nên ăn. Các chất khoáng có trong thịt gà sẽ chống lại sự loãng xương, viêm khớp và làm giảm dần những nguy cơ dẫn đến các vấn đề về xương khớp, ngăn chặn bệnh gút phát triển.
Còn theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), thịt gà có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng nuôi dưỡng, an thai, liền xương, trị bệnh ứ nước trong người. Bên cạnh đó, thịt gà còn trị phong thấp, băng huyết và bạch đới; dùng trị gầy mòn, tiểu nhiều lần, sinh đẻ ít sữa, hư nhiệt sau sinh. Chẳng hạn, phụ nữ khi sinh đẻ nên tần thịt gà với tam thất ăn để cầm máu, nâng cao sức khỏe; rối loạn kinh nguyệt thì dùng thịt gà hầm ngải cứu.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng khẳng định, thịt gà là loại thực phẩm lành tính, chứa nhiều chất dinh dưỡng nên được dùng để bồi bổ cơ thể. Ngay cả trường hợp trẻ bị ho vẫn có thể cho ăn thịt gà, nhưng nên bỏ da. Quan niệm, kiêng các chất tanh (trong đó có thịt gà) khi bị ho là chưa chính xác, làm như vậy sẽ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, đối với những người bị bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, sỏi thận, sỏi mật, béo phì, không nên ăn nhiều thịt gà quay vì trong đó có chứa nhiều cholesterol, không tốt cho sức khỏe; những người khi cơ thể đang mẫn cảm, dễ bị dị ứng, hen suyễn cũng nên hạn chế ăn, nhất là da gà, vì khi ăn vào sẽ khiến bệnh nặng thêm; không nên ăn thịt gà cùng tôm, cá chép vì sẽ dễ bị mẩn ngứa trên da; không ăn thịt gà với lá kinh giới vì sẽ gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu. Nếu ăn thường xuyên có thể khiến người dùng khó đi ngoài.
Ai không nên ăn thịt gà? |