Gout thường được biết đến là một căn bệnh thường gặp ở giới “nhà giàu”. Tuy nhiên bệnh vẫn gặp ở những người thuộc nhóm “nhà nghèo”. Mỗi người đều có nguy cơ mắc bệnh gout nếu không có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp.
Tổng quan
Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin trong thận từ đó làm cho thận không thể lọc acid uric từ trong máu. Bình thường acid uric được hình thành trong cơ thể và là chất vô hại, chúng sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân nhưng ở người bị gout, lượng acid uric không được thận lọc và thải ra ngoài nên nó tích tụ qua thời gian, khi nồng độ quá cao sẽ hình thành nên những hạt tinh thể nhỏ rồi tập trung lại ở khớp gây viêm, sưng và đau đớn cho người bệnh.
Biểu hiện
Bệnh do tăng acid uric máu đơn thuần thường bắt đầu từ tuổi dậy thì, có thể kéo dài 20-40 năm mà không có triệu chứng gì cho đến khi xuất hiện cơn gout cấp đầu tiên. Đây được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh.
Cơn viêm khớp gout cấp:
Lúc đầu thường là những cơn gout rất điển hình, thể hiện ở khớp ngón I bàn chân (chiếm 75%) , các khớp khác chiếm 25% ( khớp cổ chân, gối, cổ tay, khuỷu.... )
Người bệnh bị đau đột ngột dữ dội kèm sưng tấy, nóng, đỏ, xung huyết... ở một khớp, thường xảy ra về đêm kèm theo triệu chứng viêm khớp tăng tối đa trong 24 - 48 giờ và kéo dài từ 3 đến 10 ngày rồi tự khỏi hoàn toàn. Càng về sau đợt viêm cấp càng kéo dài, không tự khỏi, không thành các cơn điển hình, biểu hiện ở nhiều khớp, đối xứng và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động...
Biểu hiện toàn thân: Người bệnh có thể sốt, rét run, cứng gáy, mệt mỏi...
Khoảng cách giữa cơn đầu tiên và cơn thứ hai có thể từ vài tháng đến vài năm, thậm chí >10 năm. Càng về sau khoảng cách này càng ngắn lại. Các cơn viêm khớp cấp xảy ra liên tiếp và không khi nào dứt cơn.
Viêm khớp gout mạn:
Viêm nhiều khớp, có thể đối xứng, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp...
Các biểu hiện toàn thân khác: Thiếu máu, suy thận mạn tính do các acid uric lắng đọng dưới dạng muối urate ở nhu mô thận. Hiện tượng suy thận lúc đầu tiềm tàng, hoàn toàn không có biểu hiện lâm sàng, tăng dần, chậm nhưng chắc và sẽ không hồi phục, đây là nguyên nhân chính làm tử vong và giảm tuổi thọ cho bệnh nhân gout; sỏi thận do acid uric lắng đọng ở ống thận; tăng huyết áp; đái tháo đường; rối loạn lipid máu ...
Các giai đoạn
Thông thường, bệnh gout trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn tiềm ẩn: Trong giai đoạn này, mức acid uric trong máu đã tăng lên nhưng vẫn chưa có biểu hiện gì của bệnh cho nên người bệnh không cảm nhận được
Giai đoạn xuất hiện bệnh: Trong giai đoạn này, nồng độ acid uric tăng rất cao và bắt đầu có sự hình thành các tinh thể và xuất hiện ở các khớp viêm.Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ cảm thấy đau khớp nhưng cơn đau thường không kéo dài và sau một thời gian sẽ xuất hiện các biểu hiện khác của bệnh với cường độ và tần suất ngày càng gia tăng.
Giai đoạn biến dạng khớp: Trong giai đoạn này, các biểu hiện của bệnh sẽ không biến mất và các tinh thể axit uric sẽ lắng đọng và gây viêm ở nhiều khớp nên làm cho các khớp xuất hiện các khối chất nổi dưới da gây nên tình trạng đau đớn nghiêm trọng hơn và có thể phá hủy sụn.
Tuy nhiên, hầu hết bệnh gout chỉ dừng lại ở giai đoạn xuất hiện bệnh, rất hiếm người có bệnh tiến triển đến giai đoạn biến dạng vì bệnh gout đã được điều trị đúng cách. Do đó, nếu thấy đau khớp bất thình lình và dữ dội, phải đi khám ngay vì hiện nay việc điều trị gout không quá khó khăn nên nếu phát hiện chậm sẽ làm cho bệnh nặng hơn và dẫn tới tổn thương khớp vĩnh viễn. Tuy nhiên, cũng cần phải đi khám ngay nếu bị sốt kèm đau và sưng tấy khớp, để loại trừ viêm khớp do nhiễm trùng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do thường xuyên ăn những thực phẩm chứa purine. Đây là chất có sẵn trong cơ thể, nhưng một số thực phẩm cũng chứa nhiều chất này, cho nên càng ăn nhiều purine, càng có nguy cơ cao mắc bệnh gout.
Tỉ lệ người mắc bệnh gout vào khoảng 1/200 ở người trưởng thành, bệnh không phân biệt tuổi tác và giới tính.Tuy nhiên, nam giới từ 30 - 50 tuổi thường mắc bệnh này nhiều hơn trong khi phụ nữ là trong giai đoạn sau mãn kinh. Bệnh ít khi xảy ra ở người trẻ và trẻ em...
Bên cạnh nguyên nhân chính là ăn nhiều thực phẩm chứa purine, còn có các yếu tố nguy cơ như:
- Chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản.
- Tuổi tác và giới tính. Bệnh xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người lớn tuổi.
- Uống nhiều bia.
- Béo phì.
- Tăng cân quá mức.
- Tăng huyết áp.
- Chức năng thận bất thường.
- Sử dụng một số loại thuốc nhất định. Những thuốc có thể làm tích tụ acid uric như: Aspirin, làm tăng nguy cơ tích tụ acid uric nếu uống thường xuyên 1 - 2 viên mỗi ngày; thuốc lợi tiểu; thuốc hóa trị liệu.
- Tiền sử mắc một số bệnh như đái tháo đường, suy giảm chức năng thận, bệnh tim, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, bệnh truyền nhiễm, tăng huyết áp.
Và lưu ý là “Không có các yếu tố nguy cơ thì không có nghĩa là không thể mắc bệnh”.
Đây là bệnh lành tính và có thể khống chế bằng thuốc cũng như phòng ngừa đợt cấp bằng việc thay đổi chế độ ăn. Gout là bệnh lý rất thường gặp và ngày càng gia tăng trong khi việc điều trị bệnh lại ít có hiệu quả. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là việc làm vô cùng cần thiết.
Biến chứng
Khi acid uric tích tụ lâu ngày sẽ tạo nên tinh thể urat natri và tinh thể urat natri lắng đọng ở đâu sẽ gây tổn thương ở đó. Khớp, thận, phần mềm quanh khớp, tim, mạch máu… là những nơi hay phát hiện thấy tinh thể urat natri. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, theo thời gian, tổn thương ngày càng nhiều và gây ra những hậu quả nặng nề.
Khi lắng đọng ở khớp, tinh thể urat natri gây viêm màng hoạt dịch, viêm hoạt dịch, phá hủy sụn khớp, tiêu đầu xương, làm cho khớp bị thoái hóa dần và sẽ dẫn đến mất khả năng vận động khớp, là hậu quả tất yếu của bệnh gout.
Nếu tinh thể urat natri tích tụ nhiều ở khớp sẽ tạo nên các khối gọi là tophi. Như vậy khi bị gout, tophi cùng với thoái hóa khớp sẽ gây ra biến dạng khớp. Tophi sẽ càng ngày càng to ra làm chèn ép mạch máu và thần kinh, gây các bệnh lý mạch máu và thần kinh ngoại biên. Ngoài ra, tophi có thể bị vỡ, khi đó sẽ làm cho vết thương khó liền, dễ bị nhiễm trùng, có trường hợp đã phải cắt cụt chi.
Tinh thể urat natri lắng đọng ở các ống thận sẽ gây viêm kẽ thận, làm tắc các ống thận, khi lắng đọng ở xoang thận có thể tạo thành sỏi thận, từ đó tất yếu sẽ dẫn đến suy thận.
Ngoài ra, tinh thể urat còn có thể gây viêm màng trong tim và cơ tim, tổn thương van tim rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tinh thể urat cũng có thể lắng đọng ở những mảng xơ vữa trong lòng mạch, gây ra những tổn thương ở mạch máu làm giảm lưu thông máu, có thể gây tắc mạch, nhất là ở mạch vành của tim dễ gây tai biến tim mạch nguy hiểm.
Vì vậy, gout là một bệnh nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng và hủy hoại dần cơ thể người bệnh. Việc phát hiện sớm, điều trị sớm bệnh gout sẽ mang lại hiệu quả và phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm. Với người bệnh đã có biến chứng hoặc có các bệnh lý đi kèm, cần phải tích cực điều trị các tổn thương và bệnh gout.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị cơ bản nhằm hạn chế các nguyên nhân tăng axít uric (3 cơ chế).
Điều trị bằng thuốc: theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa:
- Thuốc ức chế phản ứng tạo thành axít uric: thuốc ức chế men xanthin oxydase như allpopurinol (Zyloric). Thuốc chỉ nên dùng các đợt cấp để đề phòng tái phát.
- Thuốc đào thải axít uric qua thận: Probenecid (benemid), Sulfinpyrason (antiran).
- Giảm đau trong các đợt cấp bằng colchincin.
Điều trị bằng chế độ ăn thích hợp: vừa giảm tổng hợp axít uric vừa tăng đào thải axít uric qua thận. Chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong điều trị cơn gút cấp tính, mạn tính và có tác dụng làm giảm các cơn cấp của gút mạn tính.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn trong bệnh gút
- Sử dụng thức ăn ít chứa nhân purin như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả. Hạn chế thức ăn chứa nhiều axít uric như: thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan, bầu dục, đậu đỗ.
- Tuyệt đối không uống rượu, bia, cà phê, chè vì nó làm giảm khả năng bài xuất axít uric qua thận hậu quả là làm tăng lactat máu.
- Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý, nếu người thừa cân và béo phì không nên giảm cân quá nhanh mà nên giảm cân từ từ.
- Tăng cường đào thải axít uric qua thận bằng uống nhiều nước, không ăn thức ăn có vị chua (quả chua, dưa chua, cà muối...).
Các thực phẩm không nên ăn (nhóm 3 - 4): thực phẩm có nhiều purin.
- Không uống: rượu, bia, cà phê, chè.
- Không ăn uống thực phẩm (rau quả) có vị chua vì làm tăng axít máu.
- Không ăn phủ tạng động vật, nước luộc thịt, nước sườn, cá hộp, thịt hộp.
- Không ăn chế phẩm có cacao, sôcôla.
Các thực phẩm ăn với số lượng vừa phải (ăn hạn chế - nhóm 2): thịt các loại, cá các loại, hải sản, gia cầm, đậu đỗ.
Các thực phẩm nên ăn:
- Uống đủ nước: 2 - 2,5 lít/ngày, nên uống nước khoáng, nước rau.
- Sữa, rau xanh, quả chín, ngũ cốc (gạo, ngô, khoai…) có thể sử dụng với tỉ lệ nhiều hơn bình thường một chút.
- Giảm lượng đạm trong khẩu phần: tổng lượng thịt hoặc cá… (đạm động vật, đậu đỗ khoảng 150g/ngày.
Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.
Hỗ trợ điều trị
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, một số biện pháp sau đây có thể giúp người bệnh giảm khả năng bùng phát bệnh gout.
Uống nhiều nước
Khi bị bệnh gout, khớp có thể bị sưng và viêm. Tăng cường nạp chất lỏng có thể thúc đẩy thận giải phóng chất lỏng dư thừa, làm giảm sưng. Tốt nhất là uống nước lọc, cũng có thể dùng trà thảo mộc nhưng nên tránh bia rượu và nước ngọt có nhiều nhân purin. Tuy nhiên, thận trọng khi người bệnh bị suy tim sung huyết hoặc bệnh thận, cần trao đổi với bác sĩ điều trị về lượng chất lỏng có thể uống trong ngày.
Chườm đá
Chườm đá vào các khớp bị ảnh hưởng có thể giúp giảm viêm do gout. Hãy thử chườm mỗi lần chườm khoảng trong 10-15 phút với đá được bọc trong một chiếc khăn vải mỏng để giúp giảm đau.
Giảm căng thẳng
Sự căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh gout. Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể loại bỏ tất cả các nguyên nhân gây căng thẳng, nhưng các cách sau đây có thể hữu ích:
Tập thể dục, chẳng hạn như đi bộ quãng ngắn, nếu cơn đau không hạn chế cử động; Xin nghỉ làm một thời gian; Viết lách gì đó hoặc đọc một cuốn sách yêu thích; Nghe nhạc; Thiền định; Nghỉ ngơi đầy đủ cũng có thể giúp bạn cảm thấy bớt căng thẳng.
Nâng cao các khớp bị ảnh hưởng
Bệnh gout có thể gây đau và sưng, đặc biệt là ở khớp bàn chân, bàn tay, đầu gối và mắt cá chân. Một cách để giảm sưng là nâng cao các khớp bị ảnh hưởng, mục đích là giúp giảm ứ trệ máu và chất lỏng tại vùng khớp bị ảnh hưởng. Biện pháp này kết hợp với chườm lạnh sẽ giảm sưng và đau hiệu quả.
Uống cà phê
Một đánh giá và phân tích tổng hợp năm 2016 cho thấy những người uống nhiều cà phê ít bị bệnh gout hơn. Điều này có thể là do cà phê có thể làm giảm nồng độ axit uric.
Ăn nhiều anh đào
Ăn nhiều anh đào (quả sơ ri) làm giảm 35% nguy cơ bùng phát đợt gout cấp ở bệnh nhân gout. Quả anh đào chứa hàm lượng hợp chất chống viêm anthocyanins cao. Các nhà nghiên cứu nhận thấy ăn quả anh đào hoặc uống nước ép anh đào, cũng như dùng chất bổ sung chiết xuất từ anh đào đều mang lại hiệu quả với bệnh nhân gout. Họ cũng phát hiện ra rằng khi người bệnh ăn quả anh đào cùng với việc dùng thuốc trị gout sẽ giảm 75% nguy cơ bị các cơn gout.
Uống nước chanh
Các tác giả của một nghiên cứu năm 2015 cho biết: để giảm axit uric ở những người bị bệnh gout, họ chỉ cần mỗi ngày uống 2 lít nước pha với nước ép của 2 quả chanh tươi. Các nhà nghiên cứu lý giải rằng nước chanh giúp trung hòa axit uric trong cơ thể.
Hạn chế uống rượu
Uống nhiều hơn hai ly rượu hoặc hai ly bia mỗi ngày làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh gout. Bia có nhiều purin, vì vậy tránh dùng bia với người bị bệnh gout.
Tránh các loại thịt có nhiều purin
Tránh các loại thịt có chứa nhiều purin có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh gout. Một số loại thịt, cá chứa lượng purin cao bao gồm: Thịt ba chỉ, gà tây, thịt bê, thịt nai, nội tạng, cá cơm, cá mòi, cá trích, cá tuyết, cá hồi, con trai, con sò.
Trao đổi với bác sĩ về thuốc
Người mắc bệnh gout có thể có một số bệnh mạn tính khác. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, có thể làm tăng nguy cơ tích tụ axit uric và bùng phát bệnh gout. Điều quan trọng là không nên ngừng thuốc trước khi trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn thay thế. Trong một số trường hợp, phải chấp nhận bởi lợi ích của thuốc lớn hơn tác dụng phụ. Trao đổi với bác sĩ để có thể được kê những thuốc giúp giảm các triệu chứng bệnh gout.