Các chuyên gia luôn cảnh báo mọi người khi ăn thịt phải chú ý nấu chín hoàn toàn mới ăn nếu không nguy cơ nhiễm ký sinh trùng hay ngộ độc thực phẩm rất cao.
Mùa đông, mọi người đều thích ăn lẩu để xua bớt cái lạnh và tạo cảm giác ấm cúng. Một người đàn ông 43 tuổi ở Hàng Châu, Trung Quốc suốt 1 tháng qua thường xuyên bị đau đầu và táo bón. Vì chỉ bị đau đầu và tiêu hóa có chút vấn đề nên anh cho rằng là bệnh vặt, làm việc mệt mỏi nên không đi khám cẩn thận.
Mãi cho tới gần đây khi bị lên cơn động kinh, anh mới lo lắng vội vàng đi khám. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ phát hiện trong cơ thể người đàn ông có tới 700 con sán dây, thậm chí não cũng đã bị ký sinh trùng xâm chiếm.
Người đàn ông bị nhiễm sán lên tận não.
Thông thường con người dễ bị nhiễm ký sinh trùng khi ăn thức ăn sống hoặc tái. Sau khi tìm hiểu về thói quen sinh hoạt mới biết người đàn ông không có thói quen ăn rau sống hay các loại thực phẩm sống nhưng anh rất thích ăn lẩu. Tháng trước, anh có mua thịt về nhà nấu lẩu ăn cùng gia đình vài bữa. Người đàn ông nhớ lại có lẽ do bản thân đã quá vội vàng khi nhúng thịt, ăn khi còn tái nên mới nhiễm sán.
Các chuyên gia luôn nhắc nhở mọi người cần đặc biệt cẩn thận khi ăn các loại thịt như thịt lợn, thịt gà. Nếu ăn trước khi nấu chín, ngoài việc bị nhiễm ký sinh trùng còn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Đừng ăn thịt lợn chưa nấu chín, nhiễm sán dây lợn có thể lan tới não, mắt và tim
Người đàn ông ăn thịt lợn chưa nấu chín khi ăn lẩu nên mới nhiễm sán. (Ảnh minh họa)
Sán dây lợn (Taenia solium) là một loại ký sinh trùng lây từ động vật sang người có thể ký sinh trên lợn, cừu, hươu và các động vật khác. Sán dây khi xâm nhập vào cơ thể người, ấu trùng nở ra sẽ xuyên qua thành ruột đi vào khoang bụng, ngoài ký sinh ở các cơ vân còn có thể trốn lên não, mắt, tim và các bộ phận khác của cơ thể gây bệnh não úng thủy, bệnh võng mạc, mù lòa và thậm chí tử vong.
Tuy nhiên mọi người không cần lo lắng miễn là thịt được nấu chín hoàn toàn ở nhiệt độ cao từ 80 đến 100 độ trong hơn 15 phút trước khi ăn thì có thể an toàn.
Thịt bò cũng có thể bị nhiễm ký sinh trùng
Thịt bò chín kỹ có kết cấu khá dai cứng nên nhiều người thích thưởng thức hương vị của thịt bò chín tới hoặc hơi tái. Tuy nhiên thói quen ăn thịt bò chín tái có thể tiềm ẩn nguy hiểm. Zhang Zhenrong, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và gan mật người Đài Loan (Trung Quốc) từng chia sẻ trên chương trình sức khỏe "Doctors is Hot" rằng một phụ nữ 22 tuổi lấy chồng ở Lebanon và ăn thịt bò sống theo phong tục địa phương. Khi mang thai, cô thường xuyên cảm thấy đầy bụng, khó chịu nhưng lại tưởng đó là phản ứng bình thường khi có bầu mà không hề coi trọng.
Phải đến sau khi sinh con, người phụ nữ mới cảm thấy đau bụng dữ dội và khi đi vệ sinh nhìn thấy có 5 sinh vật sống bò ngoằn nghoèo trong bồn cầu thì mới nhận ra bản thân có vấn đề. Đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ phát hiện cô bị nhiễm sán dây bò, có con dài tới cả 5 mét khi lấy ra.
Ăn thịt bò tái sống tuy ngon nhưng có thể tăng nguy cơ nhiễm sán dây bò. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Zhang Zhenrong giải thích do vệ sinh thực phẩm kém và nguồn nước không sạch ở Trung Đông, khi gia súc uống nước có chứa trứng sán dây bò, sán dây bò phát triển thành ấu trùng trong cơ thể bò và đào hang vào các lớp cơ. Khi con người ăn thịt bò chưa nấu chín, sán dây bò có thể ký sinh vào cơ thể con người.
Nói chung, tỷ lệ thịt bò bị ô nhiễm ở các khu vực khác nhau sẽ không giống nhau. Ở các nước phát triển hơn, con người sử dụng hệ thống nhà vệ sinh và nước thải xả riêng; gia súc ăn cỏ khô và thức ăn chăn nuôi, ít có cơ hội tiếp xúc với vùng đất bị nhiễm trứng sán dây bò nên khả năng bò nhiễm sán thấp hơn, nhưng cũng không hoàn toàn tránh được mọi rủi ro.
Trừ khi bạn chắc chắn 100% rằng thịt bò hoàn toàn không bị ô nhiễm thì việc ăn tái sống mới tương đối an toàn. Nếu không, tốt nhất vẫn nên ăn thịt bò chín.
Thịt gà nấu chưa chín, cẩn thận nhiễm khuẩn Salmonella, Campylobacter có thể gây ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày ruột
Gà cũng là loại thịt phải được nấu chín trước khi ăn. Phó giáo sư Ben Chapman, chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học bang North Carolina (Mỹ), nhắc nhở rằng các lát thịt gà sống có chứa salmonella và campylobacter, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn.
Salmonella là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Sau khi bị nhiễm Salmonella, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng trong vòng 24 giờ bao gồm tiêu chảy, đau bụng, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, nôn mửa,...
Campylobacter là loại vi khuẩn thường gây viêm dạ dày ruột. Sau khi bị nhiễm, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào các tế bào biểu mô của ruột non và gây viêm ruột cấp tính. Các triệu chứng bao gồm đau quặn bụng, tiêu chảy ra máu và nhức đầu, sốt, đau cơ, suy nhược, mệt mỏi,...
Vì các vi khuẩn nêu trên không có khả năng chịu nhiệt nên các chuyên gia khuyến cáo người dân phải đun nóng hoàn toàn và nấu chín thịt gà trước khi ăn. Hộp đựng, dao, thớt dùng để chế biến nguyên liệu sống và chín cũng cần riêng biệt để tránh lây nhiễm chéo.
Tránh rửa gà trực tiếp dưới vòi nước làm lây lan vi khuẩn ra xung quanh. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nhiều người thường có thói quen rửa gà, nhưng bác sĩ Yan Zonghai, Khoa Thận của Bệnh viện Linkou Chang Gung Memorial, Đài Loan nhắc nhở rằng trong quá trình rửa gà, nước sẽ văng lên thành bồn rửa tạo điều kiện cho vi khuẩn trên gà lây lan. Nếu người dân mua gà đóng hộp tại cửa hàng đạt tiêu chuẩn, sản xuất đảm bảo vệ sinh thì có thể luộc trực tiếp; nếu mua gà ở chợ truyền thống thì trước tiên phải chần gà qua nước sôi trước khi nấu nướng.