Mặc dù đã được cảnh báo nhiều về nguy cơ khi ăn cá nóc nhưng không ít người vẫn chủ quan và gây nguy hiểm cho chính bản thân.
Ông Yu, sống ở Cam Tỉnh Tử, Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Sáng ngày 29/8, ông Yu đã mua một con cá nóc từ chợ. Sau đó, ông đã chế biến và ăn nó vào lúc 11 giờ, uống một chút rượu rồi đi ngủ. Đến 2 giờ chiều, ông Yu thức dậy và thấy khó thở, tay chân khó cử động, đi bộ cũng khó khăn. Cảm thấy cơ thể không ổn nên ông Yu đã gọi con trai tới và được đưa tới phòng cấp cứu.
Ông Yu đã thiệt mạng sau khi mua cá nóc về nấu và ăn. (Ảnh minh họa)
Khi tới viện, ông Yu đã rơi vào tình trạng rất tệ. Đêm ngày 29/8, ông Yu thậm chí còn có biểu hiện như người sắp chết, đồng tử giãn ra, hệ hô hấp gặp vấn đề. Các bác sĩ đã mau chóng tới nhưng ông Yu không còn hy vọng sống sót. Bác sĩ cho biết nguyên nhân đến từ việc ngộ độc do ăn cá nóc.
Được biết, ông Yu đã mua con cá nóc từ một chợ địa phương ở Đại Liên. Trước đây, ông đã từng mua cá nóc nhiều lần và chế biến nhưng chưa từng bị nhiễm độc. Con trai ông Yu nghi ngờ bố anh đã mua một con cá nóc hoang dã độc hại hơn.
Ăn cá nóc dễ bị ngộ độc, không có thuốc giải độc đặc hiệu
Trong những năm gần đây, đã có nhiều cảnh báo tới công chúng chú ý đến những rủi ro khi ăn cá nóc. Các thành phần độc tính cao có trong cá nóc chủ yếu được tìm thấy trong buồng trứng, gan, máu,... Đôi khi chất độc cũng được tìm thấy trong thịt cá.
Độc tố Tetrodotoxin trong cá nóc là một chất độc thần kinh, và các triệu chứng ngộ độc có thể xảy ra 20 phút sau khi tiêu thụ. Trong giai đoạn đầu của ngộ độc, các ngón tay và môi bị tê, và sau đó các chi bị tê liệt, toàn bộ cơ thể dần trở nên yếu ớt, nghiêm trọng hơn có thể bị suy tuần hoàn, khó thở và tử vong.
Độc tố trong nó độc tới mức, chỉ cần ăn khoảng 10g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim... với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.
Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong sáu giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra do độc tố chưa bị phá hủy hết. Ngay cả khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc.
Chỉ cần ăn khoảng 10g thịt cá nóc có độc tố là sẽ có thể bị ngộ độc. (Ảnh minh họa)
Mọi người nên nâng cao nhận thức về cá nóc và độc tính của nó, không mua, chế biến hoặc ăn các sản phẩm thủy sản độc hại như cá nóc hoang dã. Một khi người tiêu dùng đã ăn cá nóc hoang dã và có các triệu chứng ngộ độc như tê môi và ngón tay, họ nên tìm cách để gây nôn, uống nhiều nước để thúc đẩy bài tiết độc tố và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Mặc dù cá nóc có độc tố và dễ gây ngộ độc nhưng nếu nó được xử lý bởi những người chuyên nghiệp thì hoàn toàn có thể trở thành món ăn ngon. Ở Nhật, món cá nóc rất được ưa chuộng nhưng các đầu bếp muốn chế biến món cá nóc phải nhận được chứng chỉ cho phép mới được làm món ăn này.
Triệu chứng ngộ độc cá nóc
Thời gian cơ thể hấp thu độc tố của cá nóc là từ 5-15 phút. Ngay khi được hấp thu, độc tố bắt đầu phát tác với những triệu chứng:
- Tê cứng chân, tay hoặc tê cứng một số bộ phận trên cơ thể, tùy theo độc tố bị hấp thu.
- Cơ thể mệt mỏi, vã nhiều mồ hôi, buồn nôn, đau bụng.
- Nước bọt tiết nhiều, có triệu chứng sùi bọt mép, nói nhảm, cơ yếu, chân tay khó cử động như mong muốn, đồng tử giãn to, mắt mờ.
- Cơ thể liệt dần, mạch chậm, huyết áp hạ, da chuyển màu tím và co giật rồi ngưng hô hấp và hôn mê.
Sau thời gian phát tác các triệu chứng, có thể kéo dài từ 4-24 giờ sau khi ngộ độc và tử vong do hạ huyết áp và hô hấp bị ngưng trệ.