Rất nhiều trường hợp ngộ độc cá nóc dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong nhưng nhiều người vẫn nghĩ “ăn ít chắc không sao”. Để tránh mất mạng khi lỡ ăn nhầm phải loại cá chứa độc tố cao này, mọi người cần làm ngay những điều dưới dây.
Ngộ độc cá nóc vì ăn thử
Mới đây, Khoa cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân N.V., 63 tuổi ở Phụng Hiệp, Hậu Giang trong tình trạng hôn mê, tê cứng tay chân, cứng hàm do ngộ độc cá nóc. Theo người nhà, sáng 3/6, ông V bắt được khoảng nửa kg cá Nóc nhỏ. Nghe nhiều người nói ăn cá Nóc ngộ độc nhưng ông nghĩ “ăn ít chắc không sao” nên đã ăn 3 con.
Sau ăn khoảng 2 giờ, ông thấy tê hai bàn tay, hai chân dần dần đến tê môi. Gia đình đưa vào bệnh viện Ngã Bảy cấp cứu được xử trí đặt nội khí quản, rửa dạ dày và ngay sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị. Được điều trị tích cực, hiện sức khỏe ông V đã ổn định, rút nội khí quản.
Bệnh nhân V đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh BVCC
Trước đó, bệnh viện đã từng cấp cứu cho nhiều trường hợp bị ngộ độc cá nóc. Cách đây không lâu, BV Chợ Rẫy - TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận điều trị 4 ngư dân của tỉnh Bình Thuận bị ngộ độc trầm trọng do nhậu cá nóc.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, độc tố cá nóc gây độc mạnh, chỉ cần 4 mg thịt cá có độc tố đã giết chết một con thỏ 1 kg. Với người chỉ cần ăn 10 gram thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1 - 2 mg độc tố có thể gây chết người.
Theo các chuyên gia, độc tố có trong cá nóc là tetrodotoxin và tập trung nhiều ở da, gan, ruột, cơ bụng, túi tinh và đặc biệt là trứng cá, ngay sau khi ăn từ 5- 20 phút, độc tố của cá Nóc bắt đầu hấp thu và phát tán.
Chất độc Tetrodotoxin không phân hủy bởi nhiệt khi nấu ăn và không tan trong nước, chính vì vậy dù áp dụng các biện pháp chế biến nghiêm ngặt, chất độc vẫn gây hại cho cơ thể. Đây là loại độc tố thần kinh vô cùng nguy hiểm, gây độc mạnh dẫn đến ức chế dẫn truyền thần kinh, liệt cơ xương, liệt cơ hô hấp gây ngưng thở, hôn mê và có khả năng tử vong nếu không được điều trị kịp thời bởi tuyến chuyên khoa.
Điều cần làm khi nhỡ ăn phải cá nóc
Theo khuyến cáo của BS. CKII Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của BVĐK Trung ương Cần Thơ, người dân tuyệt đối không nên chế biến thịt cá nóc làm món ăn. Dù có làm sạch như thế nào đi nữa thì độc tố vẫn còn.
Ngay khi nhận thấy có biểu hiện bất thường sau khi ăn cá Nóc như đau bụng, buồn nôn, khó thở, tê cứng chân tay… cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có.
Cá Nóc chứa nhiều độc tố. Ảnh báo Khánh Hòa
Trong trường hợp ăn phải cá nghi ngờ cá Nóc, thấy có dấu hiệu đầu tiên như tê lưỡi, tê môi, tê ngón tay mà vẫn còn tỉnh thì cần tìm mọi cách gây nôn để tránh độc tố phát tát. Đơn giản nhất là hình thức móc họng, ngoáy họng bằng lông gà hoặc cho uống mùn thớt theo kinh nghiệm dân gian. Khi gây nôn cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, đầu thấp để tránh sặc.
Cho bệnh nhân uống than hoạt tính khi còn tỉnh, chưa hôn mê. Người lớn uống 30g than hoạt tính pha với 250ml nước sạch; trẻ từ 1 - 12 tuổi cho uống 25g pha với 100 - 200ml nước sạch; dưới 1 tuổi liều lượng 1g than hoạt tính /1kg cân nặng cơ thể pha với 50ml nước sạch quấy đều. Than hoạt tính có tác dụng hấp thụ chất độc ở đường tiêu hóa. Uống sớm sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả cao. Ngay khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời.