Mọi người thường nói “một nụ cười là 10 thang thuốc bổ” nhưng đôi khi có những nụ cười lại khiến cho bạn phải nhập viện. Một người phụ nữ ở Trung Quốc vì cười quá lớn, há miệng to đến nỗi làm trật khớp hàm.
Ngày 1/9, trên một chuyến tàu cao tốc đi đến ga Nam Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, một người phụ nữ dường như có điều gì đó rất vui vẻ nên liên tục cười lớn Tuy nhiên, tiếng cười đã sớm dừng lại khi người phụ nữ bị trật khớp hàm, khiến miệng cô không thể ngậm lại được.
May mắn cho người phụ nữ, bác sĩ Luo Wensheng của Bệnh viện Lệ Loan thuộc Đại học Y Quảng Châu cũng đang ở trên cùng chuyến tàu và nghe được thông báo phát thanh của nhân viên tàu nói có người cần trợ giúp y tế.
Người phụ nữ bị trật khớp hàm vì cười há miệng quá to.
Bác sĩ Luo Wensheng kể lại: "Tôi đang nghỉ ngơi thì nghe thông báo hỏi liệu có bác sĩ nào trên tàu không. Tôi vội chạy đến và thấy một nữ hành khách không thể nói hoặc ngậm miệng. Cô ấy đang chảy nước dãi, vì vậy ban đầu tôi nghĩ rằng cô ấy đã bị đột quỵ. Nhưng tôi đã đo huyết áp của cô ấy, sau đó hỏi cô ấy một số câu hỏi và biết rằng cô ấy thực sự bị trật khớp hàm."
Tuy nhiên vì không phải là bác sĩ chuyên khoa xương khớp mà chỉ biết sơ sơ nên bác sĩ Luo Wensheng cũng cảnh báo với người phụ nữ rằng không chắc chắn có thể chỉnh lại được. Lúc đầu vì người phụ nữ khá lo lắng, các cơ mặt rất căng thẳng nên bác sĩ Luo không thể chỉnh lại thành công. Anh đã khuyên cô nên đến bệnh viện nhưng các nhân viên trên tàu nói rằng phải 1 tiếng nữa mới tới điểm dừng.
Vì vậy, bác sĩ Luo đã quyết định thử lại một lần nữa. May mắn lần này đã thành công, bác sĩ Wensheng nói: "Tôi đã làm điều đó trong khi cô ấy bị phân tâm và may mắn là nó đã quay trở lại. Nữ hành khách cũng tiết lộ rằng cô ấy bị trật khớp hàm trong quá khứ do nôn mửa liên tục trong thai kỳ."
Bác sĩ Luo cũng cảnh báo cô nếu từng bị trật khớp hàm trong quá khứ thì khi cười, ngáp hoặc thậm chí chỉ cần mở miệng quá rộng cũng có thể khiến cô gặp lại vấn đề này một lần nữa.
Người phụ nữ đã từng bị trật khớp hàm trước đó khi mang thai.
Tại sao lại bị trật khớp hàm?
Khớp hàm được nối với sọ thông qua khớp bản lề nằm trước mỗi bên tai. Nếu xương lệch khỏi khớp này, nghĩa là bạn đã bị trật khớp hàm. Đây là tình trạng thường xảy ra ở những người đã từng có tiền sử mắc chứng này trong quá khứ, hoặc những người bị lỏng dây chằng và cơ xương hàm do mắc các rối loạn khớp thái dương hàm. Trật khớp hàm thường bị gây ra bởi các chấn thương, hoặc đơn giản là do miệng bị mở rộng quá mức như ngáp, nôn hoặc mở miệng khi khám nha khoa trong thời gian dài.
Phải làm gì khi bị trật khớp hàm?
Bạn có thể áp dụng các phương pháp tại nhà để giảm khó chịu do trật khớp hàm gây ra:
- Để giảm đau và giảm sưng, hãy chườm một túi đá (đá viên đặt trong túi nhựa, dùng khăn quấn lại) lên vị trí bị trật trong 20 phút, mỗi 1 – 2 tiếng trong ngày đầu để giảm đau. Tiếp tục lặp lại 3 – 4 lần một ngày cho đến khi hết đau và sưng;
- Bạn có thể dùng acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen (Motrin, Advil) để giảm đau, trừ khi bác sĩ đã kê thuốc khác cho bạn;
- Trong những tuần đầu, chỉ ăn thức ăn mềm;
- Trong 6 tuần, không được mở miệng quá rộng. Hãy cẩn thận khi ngáp, cắn thức ăn lớn, la, hát hoặc nói quá to;
- Nếu bạn phải ngáp, hay đặt nắm đấm tay bên dưới cằm để ngăn ngừa mở miệng quá rộng.