Khi bị ngứa tai, nhiều người sẽ dùng ngón tay hoặc dụng cụ lấy ráy tai để ngoáy tai, cảm thấy rất dễ chịu. Tuy nhiên, hành động tưởng chừng như vô hại này cũng có thể gây hại ống tai ngoài sức tưởng tượng của bạn.
Cô Vương 63 tuổi ở Trung Quốc rất thích lấy ráy tai, không chỉ ngoáy bên ngoài tai mà còn dùng móng tay để ngoáy tai. Cô Vương cho biết, khoảng năm 2019, khi đang ngoáy tai, cô cảm thấy có gì đó trong tai gây đau tai nên cô đã đến bệnh viện để kiểm tra.
Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện có khối u lành tính trong tai, chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ là được. Sau đó 2 năm cô Vương không tái khám, không ngờ đến tháng 10 năm nay, cô Vương cảm thấy tai trái khó chịu, sưng vùng tai, đôi khi có cảm giác như bị điện giật.
Cô lần nữa đến bệnh viện kiểm tra, kết quả chẩn đoán cô Vương bị ung thư biểu mô thể nang dạng adenoid của kênh thính giác bên ngoài.
Bác sĩ Tôn Tô Quang, Trưởng khoa Tai mũi họng, Phẫu thuật Đầu và Cổ, Bệnh viện Số 6 Vũ Hán, cho biết: "Là một loại u ác tính trong khối u ống thính giác ngoài, nó không quá nhạy cảm với xạ trị và hóa trị. Khi phát hiện ra thì phải điều trị kịp thời, phẫu thuật cắt bỏ, nếu không sẽ di căn đến tuyến mang tai, đây là một trong những tuyến nước bọt chính của cơ thể, nằm ở vùng trước dưới của ống tai ngoài. Tuyến mang tai có liên quan mật thiết với nhiều cấu trúc quan trọng đặc biệt là dây thần kinh mặt (dây VII), tĩnh mạch cảnh ngoài và các nhánh tận của động mạch cảnh ngoài.”.
Bác sĩ nhắc nhở rằng chất cerumen do ống thính giác bên ngoài tiết ra, thường được gọi là ráy tai, có tác dụng bảo vệ da và màng nhĩ của ống thính giác ngoài. Khi mọi người dùng ngón tay, cây ngoáy tai hoặc thậm chí các dụng cụ sắc nhọn để lấy ráy tai thường xuyên rất dễ chọc thủng màng nhĩ hoặc làm xước ống tai và gây nhiễm trùng. Điều này làm tăng nguy cơ ung thư.
Bác sĩ cũng khuyến cáo rằng có một số hành vi trong cuộc sống hàng ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đôi tai. Cụ thể, việc đeo tai nghe để nghe nhạc quá thường xuyên, đặc biệt là đeo tai nghe ngay cả khi ngủ rất có hại cho tai và thính giác.
Khi chúng ta bơi và tắm rửa, nước có thể chui vào tai. Lúc này, bạn nên dùng tăm bông hoặc khăn giấy xé thành miếng dải, nhét vào lỗ tai và thấm khô để hút ẩm. Ngoài ra, một số loại dầu gội đầu có thể chui vào tai, các chất hóa học trong đó sẽ khiến màng nhĩ của bạn bị tổn thương, để lâu sẽ bị viêm tai giữa.
Những cách vệ sinh tai đúng
Làm sạch tai đúng cách sẽ giúp bạn lấy ráy tai ra ngoài hiệu quả mà không ảnh hưởng xấu đến thính lực.
1. Dùng vải mềm làm sạch tai
Bạn có thể dùng vải mềm thấm ướt rồi nhẹ nhàng lau sạch vùng ngoài tai. Khi lau, bạn nhớ nhẹ nhàng để tránh làm xước hoặc gây thêm những thương tổn cho tai nhé.
2. Dùng dung dịch làm sạch tai
Các dung dịch nhỏ tai thường được bán tại các nhà thuốc. Bạn có thể dễ dàng làm sạch tai theo các chỉ dẫn và liều dùng ghi trên nhãn dung dịch. Bạn có thể sử dụng một số dung dịch làm mềm ráy tai sau đây:
- Dầu khoáng
- Dầu dưỡng cho em bé (baby oil)
- Glycerin
- Peroxide
- Oxy già
- Nước muối sinh lý
Bạn có thể nhỏ một lượng thích hợp dung dịch vệ sinh tai vào tai, đợi một lúc rồi sau đó rửa sạch tai. Bạn lưu ý tuân theo đúng chỉ dẫn đối với từng loại dung dịch cụ thể. Nếu bạn vẫn gặp phải các triệu chứng khó chịu thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay nhé.
3. Cách vệ sinh tai bằng ống tiêm
Trong quy trình này, bạn sẽ nhẹ nhàng rửa tai với nước sạch hoặc nước muối sinh lý bằng ống tiêm. Phương pháp này thường có hiệu quả hơn nếu bạn sử dụng dung dịch làm mềm ráy tai trước đó khoảng 15–30 phút. Sau khi thực hiện phương pháp này, bạn có thể hơi bị chóng mặt đôi chút nhưng triệu chứng này hoàn toàn bình thường.